Để thực hiện mục tiêu Bạc Liêu sẽ trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước, trong Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thuỷ sản giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, giai đoạn 2022-2025, Bạc Liêu đã đưa Đề án “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước” vào và là một trong những nội dung kế hoạch triển khai trong chương trình.

tom bac lieu.png
Đến nay, Bạc Liêu đứng vị trí thứ 3 của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước về xuất khẩu tôm.

Theo đó, Bạc Liêu sẽ xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm bạc liêu. Đồng thời tiếp tục thực hiện đề án “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước”.

Trong giai đoạn 2021-2025, Bạc Liêu phấn đấu đưa tổng số diện tích nuôi trồng thuỷ sản đạt 157.007ha và diện tích nuôi tôm siêu thâm canh sẽ là 6000 ha, với tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2021-2025 là 21,67%/năm; diện tích nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh là 23.100ha, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2021-2025 là 1,17%/năm.

Về sản lượng nuôi trồng thuỷ sản, sản lượng tôm sẽ là 290.000 tấn, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2021-2025 là 14,72%/năm.

Giai đoạn này Bạc Liêu sẽ hình thành được vùng sản xuất giống tôm ứng dụng công nghệ cao, chủ động sản xuất, cung ứng 40-45 tấn con giống, đáp ứng nhu cầu giống tôm nuôi của tỉnh, đồng thời xuất sang các tỉnh lân cận; lượng giống sản xuất đảm bảo chất lượng đạt trên 90%.

Ngoài ra sẽ phát triển năng lực chế bến, đưa tổng công suất thiết kế đạt 250.000 tấn/năm, giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm nuôi đạt 1,3 tỷ USD. Phấn đấu đến năm 2025, Bạc Liêu đứng ở hàng đầu về công nghệ chế biến tôm cả nước.

Đến giai đoạn 2026-2030, Bạc Liêu sẽ đưa vào khai thác và sử dụng hiệu quả dự án xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu. 

Giai đoạn này, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh sẽ là 7.300 ha, tốc độ tăng bình quân giai đoạn này là 4,0%/năm; sản lượng nuôi tôm là 341.000 tấn, tốc độ tăng bình quân là 3,29%/năm.

Đồng thời sẽ chủ động sản xuất, cung ứng được 100 nhu cầu giống tôm sú, tôm chân trắng 50-55 tỷ con giống, tôm càng xanh, có giá trị kinh tế cao, lượng giống sản xuất đảm bảo chất lượng đạt 100%.

Đối với lĩnh vực nuôi trồng, Bạc Liêu sẽ ưu tiên phát triển diện tích nuôi tôm siêu thâm canh làm điểm nhấn; phát triển ổn định nuôi tôm sinh thái, mở rộng diện tích nuôi tôm, lúa theo hướng “lúa thơm, tôm sạch”; phát triển các mô hình nuôi tôm càng canh chuyên canh, nuôi xen canh, luân canh.

Được biết hiện nay, ngành chế biến thủy sản xuất khẩu đối với con tôm - mặt hàng chủ lực - chính là thế mạnh kinh tế hàng đầu của tỉnh. Đến nay, Bạc Liêu đứng vị trí thứ 3 của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước về xuất khẩu tôm.

Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2021 của Bạc Liêu đạt 776 triệu USD, đứng thứ 3 cả nước, sau Cà Mau và Sóc Trăng. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt của Bạc Liêu đạt hơn 853 triệu USD, tăng 9,92% so với cùng kỳ. Riêng 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu tôm của tỉnh đạt hơn 676 triệu USD và tăng 7,19% so với cùng kỳ.

Tỉnh Bạc Liêu đặt mục tiêu phấn đấu hết năm 2023, kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ USD, đến năm 2025 xuất khẩu tôm đạt 1,3 tỷ USD và đến năm 2030 đạt 1,7 tỷ USD.

Hải Yến