Bệnh nhân nam 39 tuổi, vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh vì đau ngực, tụt huyết áp, chẩn đoán bị sốc tim, nhồi máu cơ tim cấp, được điều trị hồi sức tích cực ngay. Sau can thiệp đặt stent, bệnh nhân vẫn sốc tim nặng, phù phổi cấp, được duy trì hai vận mạch liều cao, thở máy, lọc máu liên tục.

Cuộc hội chẩn Tele-ICU giữa hai khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực ở hai điểm cầu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội được thực hiện ngay buổi sáng sớm cuối tháng 9.

Dù bệnh nhân được chẩn đoán đúng bệnh, thầy thuốc thực hiện các biện pháp hồi sức rất tối ưu trong điều kiện có thể, nhưng với chỉ số vận mạch rất cao, bệnh nhân cần các phương tiện thăm dò huyết động. Nếu không may tình trạng sốc tiếp tục tiến triển, bệnh nhân có thể phải tiếp tục can thiệp bằng các phương tiện hỗ trợ tuần hoàn hiện đại trong khi những kỹ thuật này vẫn chưa được triển khai tại Hà Tĩnh.

Cuộc thảo luận chuyên môn về khả năng chuyển tuyến, thời điểm chuyển… được bàn bạc rất kỹ bởi quãng đường từ Hà Tĩnh ra Hà Nội tới 350km, đi nhanh cũng mất 5-6 tiếng. Cuối cùng, vì cơ hội cứu sống bệnh nhân, quyết định chuyển tuyến khi các thông số huyết động của bệnh nhân vẫn đang được kiểm soát, được đưa ra. 

Xác định tình trạng bệnh nhân rất nặng, Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã sẵn sàng đầy đủ giường, máy móc để tiếp nhận bệnh nhân.

Bác sĩ hồi sức tích cực và bác sĩ tim mạch đã được thông báo trước tình hình, vì vậy ngay khi bệnh nhân đến khoa, mọi khâu tiếp nhận và bàn giao diễn ra rất nhanh. Bác sĩ không cần mất nhiều thời gian để khai thác bệnh sử, mọi quy trình hồi sức đều được tối ưu ngay từ đầu.

ICUtele.png
Hai chuyên gia hồi sức và phẫu thuật tim mạch phối hợp kết thúc ECMO cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân được đặt hệ thống thăm dò huyết động PICCO, đặt thêm 1 stent sau cuộc hội chẩn. Như đúng tiên lượng, tình trạng huyết động của bệnh nhân chưa có nhiều cải thiện, thầy thuốc quyết định đặt ECMO.

Nhờ có sự chuẩn bị, việc đặt ECMO rất nhanh. Tình trạng lâm sàng của bệnh nhân cải thiện từng ngày. 5 ngày sau, bệnh nhân cắt hoàn toàn vận mạch, kết thúc ECMO.

Đây là một trong những ví dụ điển hình cho hiệu quả của Tele-ICU, hệ thống khám chữa bệnh từ xa chuyên sâu cho hồi sức, cấp cứu, đang được Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và một số đơn vị y tế triển khai.   

Xu hướng chuyển tuyến bệnh nhân nặng trong tương lai

Tại Việt Nam, khám chữa bệnh từ xa được triển khai rộng rãi từ vài năm gần đây. Theo đánh giá, dịch vụ y tế từ xa phục vụ người bệnh nặng, người trong tình trạng cấp cứu, là hiệu quả nhất, do các đối tượng này cần được tư vấn, hội chẩn và xử trí nhanh. Bệnh nhân có thể được cứu sống nếu được can thiệp sớm.

Theo các bác sĩ khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bệnh nhân hồi sức tích cực có đặc thù riêng, như cần được theo dõi liên tục, nhiều kỹ thuật cao, xâm lấn hoặc không xâm lấn được thực hiện ở nhóm này. Hơn nữa, tình trạng bệnh nhân đơn vị hồi sức tích cực diễn biến liên tục, có thể cần phải can thiệp cấp cứu bất cứ lúc nào. Điều này đòi hỏi nhân viên y tế có kinh nghiệm, năng lực.

teleicu.jpeg
Hội chẩn qua Tele-ICU giữa thầy thuốc ở Hà Nội và bác sĩ ở Bắc Hà, Lào Cai về một bệnh nhân nặng. Ảnh: BVCC

Thực tế, dù có nhiều cố gắng nhưng giữa các bệnh viện địa phương và trung ương vẫn sự chênh lệch về nhiều mặt, khiến xu hướng chuyển tuyến bệnh nhân nặng cao hơn. Trong khi đó, bệnh nhân nặng thường có thể dùng nhiều thuốc vận mạch, thở máy… nên nguy cơ cao xảy ra rủi ro khi vận chuyển lên tuyến trên. Hơn nữa, “điểm đến” là các đơn vị hồi sức tích cực ở tuyến trên luôn trong tình trạng quá tải.

Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực Bệnh viện Đại học Y Hà Nội mỗi ngày tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân. “Không ít lần, chúng tôi nhận ca nặng được chuyển từ tuyến dưới lên mà chưa được liên hệ trước. Có bệnh nhân rất nặng, điều trị dài ngày nhưng chỉ được tóm gọn trong 2 dòng giấy chuyển viện nguệch ngoạc”, một bác sĩ chia sẻ.

Trong tình huống bệnh phòng luôn quá tải, giường và máy thở không được chuẩn bị sẵn, thông tin diễn biến bệnh của bệnh nhân khai thác “bập bõm”, thì rất khó khăn cho bác sĩ phụ trách tiếp nhận. Họ mất nhiều thời gian để khai thác lại bệnh sử, chuẩn bị giường hồi sức, nhân lực, dẫn đến tăng cao nguy cơ mất thời gian vàng điều trị cho bệnh nhân.

Đáng tiếc hơn, có những ca bệnh quá nặng, tiên lượng rất xấu, đã tử vong trên đường vận chuyển. Lại có những trường hợp có thể điều trị tốt ở tuyến dưới, không cần thiết phải chuyển tuyến làm tăng cao chi phí cho người bệnh, tăng nguy cơ nhiễm trùng bệnh viện và quá tải bệnh viện, nhưng rồi tuyến trên vẫn phải tiếp nhận. 

Kết nối tốt hơn giữa nhân viên y tế các tuyến

Tele-ICU ra đời một phần để kết nối tốt hơn giữa nhân viên y tế các tuyến, giúp bệnh nhân được chuyển tuyến phù hợp và thuận lợi.

Hệ thống này có 2 phần chính, gồm trung tâm điều hành Tele-ICU và đơn vị Tele - ICU được kết nối trực tuyến về âm thanh và hình ảnh liên tục 24/7. Trung tâm điều hành được lắp đặt hệ thống phần mềm để kết nối với monitor và máy thở tại đơn vị Tele - ICU bệnh viện địa phương.

Thầy thuốc từ Hà Nội có thể phân tích dữ liệu bệnh nhân và theo dõi liên tục các chỉ số và các thông số máy thở của bệnh nhân nặng nằm tại đơn vị Tele - ICU của cơ sở. Bác sĩ ở phòng điều hành cũng có thể thăm khám các dấu hiệu lâm sàng của bệnh nhân và trực tiếp hướng dẫn nhân viên tại đơn vị Tele - ICU thực hiện thủ thuật…   

Thông qua hệ thống Tele-ICU, các bác sĩ tại tuyến trung ương giúp các bác sĩ cơ sở xác định chẩn đoán và hướng điều trị phù hợp nhất cho từng bệnh nhân theo diễn biến bệnh cảnh. Nhân viên y tế ở tuyến dưới đồng thời nâng cao, cập nhật kiến thức mới, các phác đồ điều trị và kỹ thuật mới trong hồi sức cấp cứu.

Hệ thống Tele - ICU cho phép đánh giá các thông số chức năng sống của bệnh nhân liên tục theo thời gian để can thiệp kịp thời khi tình trạng bệnh nhân xấu đi. Các bác sĩ đánh giá, với định hướng y tế không khoảng cách, có thể Tele-ICU sẽ là xu thế của chuyển tuyến bệnh nhân nặng trong tương lai.

Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Tele- ICU được đưa vào sử dụng tại khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực từ tháng 3/2020. Hàng trăm bệnh nhân phức tạp, khó khăn trong việc chẩn đoán và điều trị ở tuyến dưới, thông qua hội chẩn dựa trên Tele - ICU, bệnh nhân được tìm ra chẩn đoán mới, tư vấn điều trị và theo dõi sát sao bởi các bác sỹ có kinh nghiệm lâm sàng mà không cần phải chuyển lên tuyến trên. 

Điển hình như bệnh nhân nam 75 tuổi, xuất hiện co giật sau nút mạch u gan. Bác sỹ ở tuyến dưới không tìm được nguyên nhân co giật và không thể kiểm soát được cơn giật. 

Qua hội chẩn, thầy thuốc từ trung tâm điều hành Tele-ICU ở Hà Nội thăm khám bệnh nhân qua hình ảnh trực tuyến, đã nghĩ tới bệnh nhân có trạng thái động kinh. Tình trạng co giật của bệnh nhân được xử trí song song trong quá trình hội chẩn. Kết quả bệnh nhân đã cắt được cơn co giật.

Trong những ngày đầu tiên, tình trạng cơn co giật của bệnh nhân vẫn tiếp diễn, nhờ có theo dõi liên tục, bác sĩ ở trung tâm điều hành có thể phát hiện cơn co giật và xử trí kịp thời cho bệnh nhân.

Mới đây, Thạc sĩ, bác sĩ nội trú Nguyễn Thị Nhung của khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực ngay ngày đầu tiên đến hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà (Lào Cai) đã lập tức kết nối Tele-ICU với Bệnh viện Đại học Y Hà Nội để trao đổi với các bác sĩ giỏi về ca bệnh khó, nặng mà bác sĩ Nhung gặp tại địa phương. Sự hỗ trợ đa chiều nhờ Tele-ICU giúp các thầy thuốc thúc đẩy chẩn đoán nhanh hơn và quyết định lâm sàng khách quan hơn.