Ngày 3/3, Bộ Y tế cho biết, đã nhận được thư giải trình bằng tiếng Việt của bác Rafi Kot (người Israel) đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
Bác sĩ Rafi Kot là nhân vật được báo Haaretz của Israel đề cập là có "vai trò bất ngờ như người đưa ra quyết định chủ chốt trong những nỗ lực đối phó với virus Corona ở Việt Nam" trong bài "What Israel Can Lear from Vietnam on How to Beat the Coronavirus".
Tuy nhiên trong thư giải trình, bác sĩ Rafi Kot khẳng định: “Tôi chưa bao giờ phát biểu rằng tôi tham gia tư vấn phòng chống dịch Covid-19 cho các cơ quan chức năng chuyên môn”.
Bác sĩ Rafi Kot gửi bức thư bằng tiếng Việt để giải thích thông tin và xin lỗi Bộ Y tế
Bác sĩ Rafi Kot cho biết, bài báo đăng trên Haaretz ngày 28/2 được thực hiện qua điện thoại bằng tiếng Do Thái từ Israel về Việt Nam (trong điều kiện đường truyền không được ổn định). Dẫn đến việc tiếp nhận không chính xác một vài thông tin trong nội dung đã được đăng tải.
Ngoài ra, nhà báo đã không gửi nội dung để người trả lời kiểm tra trước khi đăng tải.
Bác sĩ người Israel này cũng khẳng định đã liên lạc với nhà báo Linder - người phỏng vấn ông và yêu cầu nhà báo này xoá bỏ hoặc điều chỉnh những thông tin không chính xác ngay ngày 29/2. Hiện bài viết đã được điều chỉnh nội dung vào ngày 1/3.
“Một lần nữa, tôi xin xác nhận nội dung của bài báo rằng Israel và các nước khác nên học hỏi cách Việt Nam phòng chống dịch Corona qua kết quả mà Việt Nam đã đạt được cho đến thời điểm hiện nay. Tôi khẳng định tôi không đề cập bất kỳ điều gì về “vai trò” như bài báo đã đăng tải”, bác sĩ Rafi Kot thông tin.
Ở cuối thư, bác sĩ Rafi Kot viết: "Tôi trân trọng biết ơn sự hỗ trợ, hướng dẫn và lãnh đạo của Bộ Y tế trong giai đoạn dịch bệnh và thành thật gửi lời xin lỗi đến Quý Bộ về những thông tin sai lệch đã xảy ra".
Bác sĩ Rafi Kot
Trước đó, sau khi có thông tin nói trên, Bộ Y tế cũng khẳng định Bộ Y tế chỉ tham vấn Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm Dự phòng và kiểm soát dịch bệnh của Mỹ (US CDC). Đây là 2 tổ chức có hơn 120 chuyên gia làm việc tại Việt Nam từ nhiều năm, thường xuyên và liên tục phối hợp chặt chẽ, chia sẻ thông tin trong quá trình phòng, chống dịch Covid-19.
Bộ Y tế không mời một tổ chức hay cá nhân nào làm cơ quan tư vấn hay chuyên gia cho Bộ Y tế trong quá trình phòng, chống dịch Covid-19.
Thúy Hạnh
Triệu gia đình Việt cần bỏ 3 thói quen trong bữa ăn để giảm lây nhiễm Covid-19
- Những thói quen như dùng chung bát nước mắm, gắp thức ăn chung… đều có thể làm tăng nguy cơ mắc Covid-19 và nhiều bệnh truyền nhiễm khác.