Văn bản được đưa ra trong bối cảnh thời gian qua, tại các bệnh viện liên tiếp xảy ra nhiều vụ việc người bệnh, người nhà người bệnh hành hung nhân viên y tế làm mất trật tự, an ninh, an toàn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác khám, chữa bệnh, tinh thần và tính mạng của nhân viên y tế.

Cụ thể, ngày 27/7 tại khoa cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP.HCM, bác sĩ P.H.T bị một người nhà bệnh nhi đẩy vào tường, bóp cổ khi đang đợi gắp xương cho bé gái. Tiếp theo đó, ngày 30/7, tại khoa chấn thương, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, một số bệnh nhân cầm dao đuổi nhân viên y tế. Gần đây nhất, ngày 6/8 tại khoa cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP.HCM có thêm một bác sĩ bị tấn công bởi một vật bằng sắt nhọn.

Để tăng cường đảm bảo an ninh, trật tự bệnh viện, Bộ Y tế đề nghị Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo các đơn vị công an địa phương tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn. Bộ này đề nghị điều tra làm rõ các hành vi và đối tượng gây bạo hành trong bệnh viện đối với các vụ việc nêu trên, xử lý nghiêm và truy cứu trách nhiệm hình sự (nếu có phạm tội).

Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo Công an địa phương thực hiện nội dung Quy chế số 03/QC-BCA-BYT ngày 26-7-2017 giữa Bộ Công an và Bộ Y tế về việc phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Y tế về công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong lĩnh vực y tế. Tăng cường đảm bảo an ninh trật tự khu vực xung quanh bệnh viện như các cơ sở kinh doanh, dịch vụ phục vụ người dân khi đến khám chữa bệnh, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trước các cổng viện.

Văn bản này của Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ Công an hướng dẫn các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn trang bị kỹ thuật đảm bảo an ninh, bảo vệ tại bệnh viện; phối hợp tập huấn, nâng cao trình độ bảo vệ, phản ứng với các tình huống gây rối, đánh nhau, hành hung tại các bệnh viện và cơ sở y tế. Xây dựng và thử nghiệm, triển khai mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ an ninh trật tự tại các bệnh viện.

Đồng thời, cũng đề nghị Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị địa phương: “Tăng cường lực lượng tuần tra, bảo vệ đảm bảo an ninh trật tự các khu vực có bệnh viện lớn, có lượng người đến khám, chữa bệnh đông. Thiết lập, củng cố mạng lưới đường dây nóng của lực lượng cảnh sát cơ động và cơ quan công an gần nhất cho bệnh viện và điểm nóng hay xảy ra mất an ninh trật tự bệnh viện trên địa bàn để kịp thời và hỗ trợ khẩn cấp trước các tình huống nguy cơ mất an ninh, trật tự”.

Như VietNamNet thông tin, liên tiếp gần đây xảy ra các vụ việc tấn công nhân viên y tế gây bức xúc dư luận tại TP.HCM. Liên quan đến vụ việc, chiều 6/8, ông Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết, ngành y tế TP.HCM lên án hành động tấn công nhân viên y tế. Đồng thời, đại diện Sở Y tế TP.HCM nhấn mạnh, ngành y tế TP mong các cơ quan bảo vệ pháp luật sớm có giải pháp nghiêm khắc nhằm răn đe và chấm dứt các hành vi mang tính trấn áp cả về thể chất hoặc tinh thần của nhân viên y tế trong lúc đang làm nhiệm vụ cấp cứu, chăm sóc người bệnh.

Cũng theo ông Tăng Chí Thượng, nhân viên khoa cấp cứu tại các bệnh viện luôn trong trạng thái sẵn sàng cho hoạt động cấp cứu người bệnh, nhất là các bệnh viện tuyến cuối của TP (như bệnh viện Nhân dân Gia Định). Thực tế cho thấy nhân viên khoa Cấp cứu của các bệnh viện luôn hoạt động 24/7, không ngừng nghỉ, họ phải tập trung cao độ cả sức lực và tinh thần cho công tác cấp cứu người bệnh. Vì vậy “hành động tấn công nhân viên y tế khi đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu người bệnh là hoàn toàn không chấp nhận được dù bất cứ lý do nào”, người đứng đầu ngành y tế TP.HCM nhấn mạnh.

Hành hung bác sĩ sẽ xem là chống người thi hành công vụ?Theo dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), người có hành vi xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm người hành nghề tại cơ sở khám chữa bệnh, bị coi là có hành vi chống người thi hành công vụ.
Nhân viên y tế bị đánh: "Bác sĩ luôn tự nhìn lại mình"Bác sĩ Đinh Tấn Phương khẳng định, các y bác sĩ luôn rút kinh nghiệm và nhìn lại mình sau các vụ bị đánh. Việc giao tiếp, ứng xử vẫn được nhắc nhở. Tuy nhiên, để bảo vệ mình, nhân viên y tế vẫn phải học cách tự phòng thủ.