Bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho rằng, trước hết, nhân viên y tế ở Khoa Cấp cứu phải chuyên nghiệp, khẩn trương, thân thiện. 

Bác sĩ Phương cho hay, có những trường hợp vào cấp cứu nhưng thực tế không phải tình trạng cấp cứu. Bệnh nhân có thể chờ đợi hoặc trì hoãn cấp cứu, ưu tiên những ca nguy cấp hơn. Do đó, nhân viên y tế phải giải thích sao cho thân nhân và người bệnh hiểu, với thái độ thân thiện, chuyên nghiệp. Khi người nhà không lo lắng, sốt ruột, sẽ giảm được mâu thuẫn xảy ra.

Bên cạnh đó, số lượng nhân viên ở Khoa Cấp cứu phải đủ để đáp ứng được khi đông bệnh nhân. Việc này phụ thuộc vào sự điều phối của lãnh đạo Khoa và Bệnh viện. Khi đó, không có tình trạng quá tải, bệnh nhân được can thiệp khẩn trương, người nhà được giải thích kịp thời. 

Thứ 3, bệnh viện phải sử dụng nội lực sẵn có, đó là bố trí nhân viên bảo vệ ngay tại Khoa Cấp cứu. Bác sĩ Đinh Tấn Phương nhận định, ở một số bệnh viện, bảo vệ thường chỉ xuất hiện sau khi sự cố đã xảy ra, không kịp bảo vệ y bác sĩ. 

Người đàn ông đánh nữ điều dưỡng Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM hồi tháng 11/2019. Ảnh cắt từ clip

“Tuy nhiên, dù nhân viên y tế chuyên nghiệp, thân thiện đến mấy, vẫn có 1 số đối tượng không hài lòng. Ví dụ như người say rượu, kích động hoặc trong trạng thái thần kinh bất thường. Họ có thể  tấn công y bác sĩ", bác sĩ Phương lưu ý.  Ông nhắc lại vụ việc xảy ra vào năm 2019 tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM. 

Theo đó, tối 16/11/2019, một bé trai được gia đình đưa đến Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 khám vì bệnh suyễn. Bệnh nhi được phun khí dung lần 1 và đang chờ chuẩn bị phun lần 2. Trong khi chờ, bé trai ngồi lên giường trống của phòng lưu bệnh.

Cùng thời điểm, một ca bệnh nặng khác nhập viện. Điều dưỡng H. nói với gia đình bé trai nhường giường cho ca bệnh mới. Trong lúc nữ điều dưỡng đang giải thích, cha của bệnh nhi không chấp nhận và đánh mạnh vào mặt chị. Điều dưỡng H. hoảng loạn và được chuyển sang Bệnh viện Nhân dân 115 khám do sưng vùng hàm mặt. 

Bác sĩ Phương nhấn mạnh, để phòng ngừa tình huống tương tự, nhân viên y tế phải có kinh nghiệm nhận định tình hình và... phòng thủ. Đồng thời, bệnh viện phải có hệ thống báo động. 

Thực tế, Bệnh viện Chợ Rẫy là một trong số các cơ sở y tế bố trí bảo vệ túc trực ở Khoa Cấp cứu 24/24. Khoa có 2 cổng với 2 bảo vệ có mặt ngày đêm. Khi nhận bệnh cấp cứu, bảo vệ hỗ trợ vận chuyển và chỉ cho một người thân đi vào phòng lọc bệnh để khai hồ sơ. Những người thân khác phải ra cửa sau chờ thông tin.

"Nhờ đó, chúng tôi đảm bảo không xảy ra lộn xộn, phòng ngừa việc nhiều người cùng tấn công hoặc xô xát tại Khoa Cấp cứu", bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy nói.

Ông khẳng định, chuyên môn là nhiệm vụ hàng đầu của bệnh viện, nhưng cách ứng xử, thái độ cũng thể hiện uy tín và sự chuyên nghiệp của đơn vị. Bệnh viện Chợ Rẫy luôn nhắc nhở vấn đề này mỗi ngày trong họp giao ban.

"Nếu nhân viên y tế có hành vi cư xử không đúng, mọi người có thể gọi điện đến đường dây nóng để phản ánh. Tuy nhiên, dù cho lý do gì nào, tôi nghĩ thân nhân và bệnh nhân cũng nên kiềm chế lại. Phản ứng xô xát, tấn công gây ra tổn thương cho chính người bệnh và bệnh nhân khác”, bác sĩ Việt nói. 

Khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy. 
Khu vực Khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy hạn chế thân nhân bệnh nhân. 

Mới đây nhất, Bộ Y tế có công văn đề nghị Bộ Công an điều tra làm rõ các hành vi và đối tượng gây bạo hành trong bệnh viện. Từ đó, xử lý nghiêm và truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có phạm tội.

Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị địa phương tăng cường lực lượng tuần tra, bảo vệ đảm bảo an ninh trật tự các khu vực có bệnh viện lớn, có lượng người đến khám, chữa bệnh đông.

Thực tế, nhiều bác sĩ bày tỏ mong muốn cơ quan chức năng bố trí công an … ngay tại Khoa Cấp cứu, đặc biệt ở các bệnh viện là điểm nóng, đông bệnh nhân hoặc cơ sở y tế thuộc địa bàn dễ xảy ra mất an ninh trật tự.

Bác sĩ P.H.T, người bị thân nhân bệnh nhi dọa giết, bóp cổ hồi tháng 7 vừa qua khẳng định, nếu công an có mặt, sự hung hăng của một số đối tượng sẽ không còn, việc hành hung y bác sĩ chắc chắn sẽ giảm mạnh. Anh cũng mong muốn, những vụ bạo hành nhân viên y tế sẽ được xử lý nghiêm minh, để bác sĩ không phải làm việc trong tâm trạng nơm nớp lo sợ. 

Còn theo bác sĩ Diêu Hà Lam, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, nếu không xử trí nghiêm các vụ tấn công nhân viên y tế, bác sĩ cấp cứu sẽ chán nản, mất lòng tin. Thậm chí, y bác sĩ có thể bỏ việc vì không được bảo vệ.

“Hành khách vi phạm quy định an toàn bay sẽ bị phạt tiền và cấm bay. Người vi phạm luật giao thông có thể bị tịch thu bằng lái. Vậy, trong khám chữa bệnh cũng cần có hình thức tương ứng để xử trí. Hiện nay, nhân viên y tế bị đánh gần như không có ai bảo vệ, người chửi mắng hay đánh bác sĩ xong cũng… không sao cả”, ông ngán ngẩm. 

Bác sĩ Lam dẫn chứng, đồng nghiệp của ông từng bị thân nhân người bệnh chửi mắng và dọa chặn đường đánh. Kết quả, hết giờ làm, bác sĩ này phải về nhà bằng cổng sau suốt một thời gian trong tâm trạng lo lắng, thấp thỏm. "Nhìn trước ngó sau mới dám về, không khác gì... ăn trộm", ông nói.

Hành hung bác sĩ sẽ xem là chống người thi hành công vụ?Theo dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), người có hành vi xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm người hành nghề tại cơ sở khám chữa bệnh, bị coi là có hành vi chống người thi hành công vụ.
Lại thêm một bác sĩ TP.HCM bị người nhà bệnh nhân đâmMột bác sĩ Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) vừa bị thân nhân người bệnh cầm vật sắc nhọn đâm vào hông. Tại đây 10 ngày trước, một bác sĩ khác cũng bị tấn công, dọa giết.