Ngày 27/7 tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP.HCM, bác sĩ P.H.T bị một người nhà bệnh nhi đẩy vào tường, bóp cổ khi đang đợi gắp xương cho một bé gái. 

Sau đó 3 ngày, tại khoa Chấn thương, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, nhân viên y tế bị một số bệnh nhân cầm dao đuổi đánh. Gần đây nhất, ngày 6/8 tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP.HCM, thêm một bác sĩ bị tấn công bởi một vật bằng sắt nhọn.

Những vụ tấn công bác sĩ, nhân viên y tế như trên không còn là chuyện hiếm suốt thời gian dài, ở nhiều tỉnh, thành.

Người đàn ông đánh nữ điều dưỡng Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM hồi tháng 11/2019. Ảnh cắt từ clip

Khoảng 23h30 ngày 13/4/2018, tại BV Đa khoa Xanh Pôn, bác sĩ trực V.H.C (29 tuổi) tiếp nhận một bé trai khoảng 7 tuổi với vết thương trên trán. Trong lúc ngồi trao đổi về hướng xử lý vết thương, người đàn ông đi cùng em bé đã nói và hỏi liên tục rồi bất ngờ đứng dậy, xông tới đấm vào mặt bác sĩ C. Một nhân viên cùng khoa chạy vào can ngăn liền bị người đàn ông này chửi mắng, tấn công.

Cùng năm 2018, tại BV đa khoa huyện An Dương, Hải Phòng, một nữ bác sĩ cũng bị đánh gãy răng tại bệnh viện.

Mới đây, Bộ Y tế đã phải có văn bản gửi Bộ Công an về việc tăng cường phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự bệnh viện.

Trao đổi với VietNamNet, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, hành vi gây thương tích hoặc giết người đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà nạn nhân là người chữa bệnh cho đối tượng gây án hoặc nạn nhân bị xâm hại khi đang thực hiện nhiệm vụ, công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân... thì đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. 

Theo luật sư, bác sĩ cứu người là nghề cao cả, được cả xã hội tôn kính. Hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của bác sĩ không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, bị xã hội cười chê, lên án.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường

Theo luật sư, trường hợp tấn công bác sĩ nhưng chưa gây ra thương tích, chưa ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, có thể bị xử phạt hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng với mức phạt từ 8 triệu đồng theo quy định tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Trong trường hợp hành vi tấn công bác sĩ dẫn đến thương tích hoặc có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của bác sĩ, người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích hoặc tội Giết người, tùy thuộc vào hành vi và hậu quả cụ thể trong từng vụ việc.

Trường hợp hành vi dùng dao lao vào tấn công bác sĩ, đâm vào những vùng hiểm yếu nhưng bác sĩ đã tránh được, được sự hỗ trợ kịp thời nên bảo toàn được tính mạng và sức khỏe thì đây cũng là hành vi nguy hiểm cho xã hội.

Hành vi trên là gây rối trật tự công cộng và có thể còn là hành vi đe dọa giết người. Nếu sự việc khiến cho bác sĩ sợ hãi, lo lắng tính mạng của mình có thể bị xâm hại, CQĐT có thể khởi tố vụ án hình sự về tội Đe dọa giết người theo quy định tại Điều 133 BLHS với hình phạt có thể tới 7 năm tù. 

Nếu hành vi của người này không nhằm mục đích tước đoạt tính mạng của bác sĩ và cũng không dẫn đến hậu quả bác sĩ lo sợ rằng hành vi giết người có thể xảy ra thì sẽ không xử lý về tội Đe dọa giết người, nhưng vẫn có thể khởi tố, xử lý người này về tội Gây rối trật tự công cộng với mức chế tài cũng có thể tới 7 năm tù. 

Trường hợp hành vi tấn công bác sĩ mà dẫn đến bác sĩ bị thương tích thì dù thương tích dưới 11 %, CQĐT sẽ vẫn khởi tố vụ án hình sự về tội Cố ý gây thương tích với tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là có tính chất côn đồ... Trường hợp hành vi có thể dẫn đến chết người nếu không được cấp cứu kịp thời hoặc hậu quả bác sĩ, nhân viên y tế tử vong thì người vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về tội Giết người theo điều 123 BLHS với hình phạt cao nhất có thể là tù chung thân hoặc tử hình.

Nguyên nhân

Theo phân tích của Tiến sĩ Đặng Văn Cường, có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến hành vi hành hung bác sĩ, trong đó có thể kể đến nhận thức, ý thức coi thường pháp luật của một bộ phận người dân.

Đồng thời phải kể đến sự ích kỷ nhỏ nhen, coi trọng lợi ích của mình mà xem nhẹ tính mạng sức khỏe của người khác; sự xuống cấp của đạo đức xã hội khiến nhiều người đề cao cái tôi bản thân, coi trọng giá trị lợi ích bản thân mà xem nhẹ quyền lợi của người khác. 

Ngoài ra cũng có thể kể đến một số nguyên nhân khác như sự quá tải ở các cơ sở y tế dẫn đến việc cứu chữa bệnh nhân chưa kịp thời và đôi khi cán bộ, nhân viên y tế chưa giải thích kịp thời, thấu đáo đối với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân về tình trạng bệnh tật và trách nhiệm, chất lượng dịch vụ dẫn đến mâu thuẫn, bức xúc...

Tiến sĩ Đặng Văn Cường cho rằng, dù bất cứ nguyên nhân nào, hành vi tấn công lại bác sĩ đang điều trị cho bản thân hoặc người nhà mình là hành vi vô ơn, đi ngược lại với truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc. 

Còn theo lời một bác sỹ từng bị tấn công tại bệnh viện, "việc gây rối, chửi bới, hành hung nhân viên y tế là đang cướp đi thời gian vàng, sức khỏe và tính mạng của những bệnh nhân nặng cần xử trí cấp cứu nhanh chóng”.