Tháng 3/2022, Tiến sĩ Haadi Shuaib, hiện 30 tuổi, đã phải làm việc nhiều giờ tại Bệnh viện Đại học Staten Island (Mỹ) khi số ca nhiễm biến thể Omicron gia tăng. Anh bị viêm thanh quản chuyển thành viêm phổi nặng và hội chứng sốc nhiễm độc.

Khi nhận thấy tình hình nghiêm trọng, anh quyết định tự đi tới khoa cấp cứu. “Khoa đó cách nơi tôi ở hai dãy nhà, nhưng tôi phải dừng lại và lấy hơi”, Tiến sĩ Shuaib kể. Anh là người yêu vận động, thường xuyên tập luyện ngoài trời, thích du lịch. Anh có thể chèo thuyền 6km. 

Tiến sĩ Haadi Shuaib. Ảnh: New York Post

Khi tới Trung tâm Y tế Long Island Jewish (LLJ), Tiến sĩ Shuaib được yêu cầu đặt máy thở. Anh lo ngại có thể không tỉnh lại. 

“Tôi đề nghị trả lại điện thoại của mình để tìm kiếm các lựa chọn khác. Tôi cố gắng tra cứu các bài phân tích về các trường hợp tương tự mình”, Tiến sĩ Shuaib nói

Cuối cùng, anh chấp nhận rằng phương pháp điều trị tích cực là lựa chọn duy nhất. Cha mẹ của Shuaib đang ở nước ngoài và không thể đến bệnh viện kịp thời để gặp con trước khi anh hôn mê. 

“Điều cuối cùng tôi còn nhớ là những người bạn nắm tay tôi. Tôi được ở cạnh những người mà tôi biết và tin tưởng”, anh nói.

Tuy nhiên, anh ấy vẫn không khá hơn khi sử dụng máy thở.

Tiến sĩ Mangala Narasimhan, Giám đốc y tế chương trình tổn thương phổi cấp tính của LIJ, nói: “Máy thở cài đặt ở mức tối đa, anh ấy đang sử dụng 100% oxy nhưng mức oxy của anh ấy vẫn ở mức thấp và tình hình vẫn tồi tệ. Vì vậy, chúng tôi biết rằng đã đến lúc phải làm điều gì đó khác”. 

Tình hình của Tiến sĩ Shuaib chuyển biến nặng quá nhanh. Ảnh: New York Post

Vì vậy, họ chuyển sang dùng máy ECMO (tim phổi nhân tạo). Đó là biện pháp cuối cùng để giữ cho Tiến sĩ Shuaib còn sống. Sức khỏe của anh khá lên mỗi ngày. Sau 9 ngày, anh được rút ECMO và máy thở. 

Theo New York Post, các đồng nghiệp và người chăm sóc cho Tiến sĩ Shuaib vẫn chưa biết chính xác điều gì đã gây ra tình trạng này. "Chúng tôi không biết nguyên nhân anh ấy bị như vậy. Đó là một bí ẩn lớn”, Tiến sĩ Frank Rosell, Phó khoa Phẫu thuật tim tại SIUH, cho biết.

Vị chuyên gia này cho rằng thể lực tốt đã giúp cho Shuaib vượt qua nguy kịch. “Anh ấy có trái tim của một vận động viên Olympic. Một trái tim rất mạnh mẽ. Đó là khả năng rất hữu ích mà chúng tôi phải dựa vào. Tôi nghĩ điều đó đã tạo nên sự khác biệt”, Tiến sĩ Rosell nói. 

Tiến sĩ Shuaib được thông báo sau hôn mê, bệnh nhân dễ bị trầm cảm và rối loạn căng thẳng sau chấn thương. Vì vậy, anh đã quyết tâm trở lại làm việc một tháng sau đó. Anh cho rằng trải nghiệm vừa qua sẽ giúp anh trở thành bác sĩ giỏi hơn, dễ đồng cảm với bệnh nhân hơn.