Truyện cổ Nhật Bản của tác giả - giáo sư Toshio Ozawa là sự tổng hợp của những câu chuyện cổ nhỏ được các tác giả dành hơn 10 năm nghiên cứu, ghi chép và mang đến cho trẻ em Nhật Bản. Ở đó có những câu chuyện hài hước, yên bình, cũng có những câu chuyện cảm động về tình người, mối liên hệ giữa con người và thiên nhiên. Nhưng suy cho cùng, cái đọng lại ở mỗi độc giả yêu thích cuốn sách là “những minh triết căn bản của đời người” - những giá trị tinh thần được truyền qua các thế hệ của đất nước hoa Anh đào.

Các cốt truyện trong Truyện cổ Nhật Bản mang đến những nội dung thú vị, các chủ đề xoay quanh cuộc sống. Nội dung truyện được nhân hóa và mang đến nhiều thể loại đặc sắc, giúp cho mọi người có được những nguồn động lực và truyền cảm hứng sâu sắc. Đa số nội dung truyện thường xoay quanh những điều kỳ ảo, hư cấu mà người viết truyện mang lại. Các nội dung thường tập trung vào những điều xấu xa, hậu quả gây ra, những người tốt và những điều nhận được khi làm các việc tốt qua từng câu chuyện với những nhân vật được nhắc đến. 

Ta thấy một mùa đông Nhật Bản yên bình. Đi dọc theo cuốn Truyện cổ Nhật Bản, không khó để độc giả bắt gặp hình ảnh những người nông dân, những Samurai,... dành thời gian quây quần bên đống lửa vừa nói chuyện vừa canh gác; hay những đêm mùa đông lạnh giá, một mái nhà nhỏ với tiếng mèo kêu và cơn mưa lộp độp ngoài vườn,... Màu trắng của tuyết, màu xanh của những loài cây mùa đông và cả những đốm lửa đỏ rực đã tạo nên một không gian yên ả xuyên suốt những câu chuyện cổ của những người Nhật Bản - vừa sống động, tình cảm, lại vừa tinh tế.

Những trang sách còn dẫn ta đến với những loài động vật nhỏ thích giúp đỡ và trả ơn cho con người, những chú chuột chăm chỉ giã bánh dày, chú cá giàu lòng vị tha hay con rắn biết trả ơn nghĩa,... những loài động vật gần gũi, hoạt động như con người được nhắc tới trong câu chuyện của người Nhật như một yếu tố để đề cao, ca ngợi cuộc sống lao động, mang đến những bài học đạo đức ý nghĩa.

Bên cạnh đó, thông qua những câu chuyện cổ, độc giả có thể cảm nhận được tầm quan trọng của lòng trắc ẩn, sự thấu hiểu, cảm thông trong suy nghĩ và văn hóa của người dân Nhật. Đặc biệt là đối với trẻ nhỏ, lối sống vị tha, biết ơn và luôn để lòng mình được an trú sẽ là một thông điệp tuyệt vời, mang tới tính nghệ thuật trong lối hành xử hàng ngày.

Truyện dân gian Do Thái là tác phẩm được nhà văn Nguyễn Ước tuyển dịch, mang đậm màu sắc văn hóa Do Thái, tinh thần nhân văn của Do Thái giáo. Độc giả sẽ được chứng kiến một bức tranh đầy màu sắc về mấy ngàn năm luân lạc của dân tộc Do Thái. Họ đã trải qua nhiều khổ đau: chịu sự đô hộ, sống cuộc đời tha hương, bị sách nhiễu cả về thể xác lẫn tinh thần. Nhưng trong những câu chuyện của họ, nét đẹp đạo đức, vẻ sáng ngời của tôn giáo vẫn hiện lên lấp lánh, mang nhiều ý nghĩa răn dạy về đức tin, lòng kính sợ Thượng đế, tuân giữ lề luật và luôn đặt niềm tin vào tương lai phía trước.

Đọc Truyện dân gian Do Thái, bạn sẽ có cảm giác tương đối dễ chịu bởi thông điệp qua từng truyện luôn rõ ràng và dễ tiếp thu. Trời luôn đền đáp cho những người xứng đáng, chỉ cần họ giữ vững tâm sáng và luôn có niềm tin hướng thiện. Trí tuệ của người Do Thái cũng được thể hiện rất rõ qua những câu chuyện xử án tài tình của vua Solomon, những màn đấu trí tại tòa của người dân - trong đó có cả các bà nội trợ khôn ngoan hay những mẩu truyện cười tinh tế, đầy ẩn ý.

Bên cạnh văn học dân gian mang nặng mẫu thức của Kinh thánh, ta còn thấy một dân tộc Do Thái phát triển rất tốt truyền thống trào phúng. Sự mỉa mai, châm biếm được đưa vào những câu chuyện nhỏ thể hiện trí tuệ, ước mơ ấp ủ về sự bình đẳng, tự do và no đủ của người dân nơi đây. Đối với một dân tộc phải trải qua nhiều lam lũ, tha hương, lời hứa về một thế giới lý tưởng cùng sự xuất hiện của Đấng Cứu thế được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong những câu chuyện dân gian được nhìn nhận như một sự nuôi dưỡng niềm hy vọng, quyết tâm chịu đựng, vượt qua gian khổ với một tâm tư nhẹ nhàng và một “người bạn đồng hành biết kể chuyện vui”.

Các câu trích dẫn hay 

• Bản sắc dân tộc cùng ảnh hưởng bản địa được ghi đậm nét trong văn học bình dân Do Thái, rồi tới lượt phần văn học ấy, mà chủ yếu là hàng chục ngàn truyện dân gian, từ đời này sang đời nọ, thể hiện xuất sắc chức năng của nó.

• Cốt lõi là đức tin và lòng kính sợ Thượng đế của họ, tuân giữ nghiêm ngặt lề luật và niềm lạc quan vào tương lai tươi sáng của dân tộc.

• Với truyện của người Do Thái, khi tiếng cười lắng xuống, nó để lại đám mây lãng đãng trên tâm hồn người thưởng ngoạn.

• Mục đích chính của tác giả nguyên thủy hay người kể lại thường không phải là chỉ là giúp tiêu khiển mà còn để giảng huấn, và gần như không truyện nào thiếu một vài câu rao giảng.

• Người Do Thái tin rằng sở dĩ họ tồn tại là nhờ giữ vững niềm tin vào Thượng đế và vào vận mệnh được Thương đế dành cho dân tộc mình.