"Trước tiên, xin lỗi nhé/ Trước tiên, xin lỗi nhé/ Vì ở nhà nằm nghe nhạc lúc cậu đi làm/Trước tiên, xin lỗi nhé/ Vì rủ cậu đi ăn phở gà vào ngày cậu ăn chay/Trước tiên, xin lỗi nhé/ Vì ăn hộ cậu miếng trứng cá ngon nhất lúc cậu ốm không ăn được".

Bên trên là các suy nghĩ nảy ra tức thì của tôi khi đọc cuốn sách Trước tiên, xin lỗi nhé của tác giả Gomi Taro do Mọt sách Mogu phát hành. Ông là tác giả sách Ehon yêu thích của tôi với nhiều câu chuyện mở ra vô hạn những suy tưởng. Nếu tôi là một đứa trẻ, tôi sẽ muốn có một người bạn như Gomi Taro, để có thể thỏa sức nói lên cả những suy nghĩ hoang đường và buồn cười nhất.

Người lớn thường dạy trẻ con nói “xin lỗi” khi làm sai, khi thất bại hay làm điều khác người. Tôi nghĩ, khi mình sai và biết nói xin lỗi, mình là đứa trẻ dũng cảm. Một người lớn làm sai mà biết xin lỗi chân thành còn đáng quý hơn nhiều vì chúng ta đã vượt qua được cái tôi to lớn nặng nề của bản thân. Thế nhưng, liệu bạn có cần nói “xin lỗi” chỉ vì bạn khác mọi người?

Trong cuốn Trước tiên, xin lỗi nhé có đoạn thế này: “Mặt tôi bẩm sinh nhìn dữ tợn như vậy, xin lỗi nhé!” hay "Ai là bố, ai là mẹ? Hơi khó phân biệt đấy, xin lỗi nhé!”. Thế giới là nơi chúng ta chung sống, cả tỷ người thì bằng đó khuôn mặt, giọng nói, tâm hồn, suy tư. Không một ai giống ai. Vậy nên, nếu bạn khác người đó là điều hiển nhiên. Cũng vì thế, cuộc sống đa màu sắc và ngập tràn những điều thú vị. Nếu nhân vật trong cuốn Ehon chỉ nói Xin lỗi nhé thì chắc hẳn tác phẩm này sẽ không khác gì các câu chuyện dạy dỗ trẻ em biết nói xin lỗi khác. Nhưng các nhân vật luôn nêu ra hoàn cảnh của mình trước lời “xin lỗi nhé”, bất giác câu chuyện mang sắc thái hoàn toàn khác. Các nhân vật đâu có xin lỗi, họ chỉ trình bày thôi! Và việc của chúng ta là hiểu và chấp nhận những hoàn cảnh, những sự khác biệt đó. 

Đôi khi tôi cho rằng các nhân vật trong truyện của Gomi Taro thật ngang ngược và bất chấp. Nhưng đó là tôi đang nhìn bằng đôi mắt của một người lớn đã sống hơi lâu trong quá nhiều những quy củ. Bạn hãy cho bản thân được nhỏ lại, đồng thời mở rộng tầm mắt mình, để nhìn mọi thứ bằng cái nhìn vô tư và hồn nhiên. Chẳng có chiếc hộp nào ở đây cả. Những điều tưởng như vô lý trong mắt người lớn vẫn có thể vô cùng hợp lý trong mắt trẻ nhỏ. Như thế, bạn sẽ thấy ehon của Gomi Taro siêu hài hước và tinh tế. Vì rằng, chỉ có người thực sự có khả năng quan sát cùng năng lực sáng tạo mới có thể đưa những chi tiết đời thường nhỏ nhặt thành câu chuyện đầy ắp trí tưởng tượng.

Gomi Taro sinh năm 1945, nghĩa là ông đã gần 80 tuổi. Gomi Taro có gia tài hơn 400 tác phẩm Ehon mà bất cứ tác giả nào cũng mong ước. Các câu chuyện mà ông sáng tác chẳng hề lỗi thời bởi nó là những thế giới mở cho cả trẻ em lẫn người lớn ở mọi thời đại bước vào rồi trở ra với muôn vàn niềm vui.

Người lớn chúng ta đôi khi rất sợ sự khác biệt, đặc biệt sợ bản thân ngốc nghếch trong mắt người khác. Nhưng tin tôi đi, chẳng ai quan tâm tới bạn nhiều như vậy đâu vì họ còn đang bận làm những điều ngốc nghếch của riêng họ. Bạn có thể tự nhủ thế này trước khi làm điều gì đó lạ thường: “Trước tiên, xin lỗi nhé!” rồi sống cho chính mình một cuộc đời tự do và vui vẻ.

Còn nếu nhất thời bạn chưa nghĩ ra trò ngược đời gì, thử rủ một đứa trẻ con đọc Trước tiên, xin lỗi nhé của Gomi Taro cho vui là đủ.

Hạ Vy