Năm 2024, cuộc thi viết thư quốc tế UPU có chủ đề là: “Trong hành trình 150 năm qua, Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) đã phục vụ hơn 8 thế hệ người dân toàn cầu. Từ đó đến nay, thế giới đã có nhiều thay đổi. Hãy viết thư gửi các thế hệ tương lai để kể về thế giới mà bạn hy vọng họ được kế thừa”.

Tiếng Anh là: "At 150 years old, the UPU has served people around the world for more than eight generations. The world has changed enormously since then. Write a letter to future generations about the world you hope they inherit".

Chủ đề của cuộc thi năm nay gắn với kỷ niệm 150 năm thành lập Liên minh Bưu chính Thế giới (1874-2024).

Dưới đây là bài mẫu viết thư UPU lần thứ 53:

...Ngày… tháng… năm...

Chào các bạn - thế hệ tương lai của chúng tôi!

Mỗi khi tan học trở về nhà, bố mẹ thường hỏi bạn câu gì: “Hôm nay con đi học có gì vui không?" hay “Hôm nay con được mấy điểm?". Nếu là trường hợp một xin chúc mừng bạn, bởi có một quãng tuổi học trò thật tươi đẹp.

Còn tôi, ở năm 2024 vẫn đang ngày ngày phải chạy đua với điểm số. Bố mẹ tôi nuôi dạy con cái theo những quy chuẩn rất khắt khe, đặc biệt là chuyện học hành. Họ sẵn sàng bỏ thời gian, tiền bạc và cả những mối quan hệ để lo cho tôi vào trường điểm. Bố mẹ cũng đôn đáo để tìm cho tôi những gia sư giỏi nhất, cho tôi học thêm nhiều lớp kỹ năng để phát triển toàn diện.

Tôi hiểu những sức ép mà bố mẹ tạo cho tôi cũng khởi nguồn xuất phát từ sự yêu thương, lo lắng cho tương lai của con. Nhưng hình như bố mẹ đang chỉ thương con nhưng không chịu hiểu cho con.

Họ cứ áp đặt con cái vào những quy chuẩn của bản thân, xã hội đặt ra mà quên mất điều đó có phù hợp với con mình không. Tôi thật sự không thích những con số hay phép tính và càng không giỏi toán, nhưng bố mẹ cứ buộc tôi học theo khối A, với lý do: "Học khối A sau này ra đời, con mới dễ có công ăn việc làm ổn định". Cứ thế, bố mẹ thúc việc học của tôi bằng vô số lớp học thêm, học kèm gia sư.

Cũng bị cuốn theo guồng quay đó, mỗi lần điểm số bị sa sút là một lần tôi sống trong stress (áp lực) cùng cực. Trở về nhà với bài kiểm tra hay bảng điểm thấp cũng là lúc tôi được nghe một tràng lời giáo huấn từ ba và cả những giọt nước mắt của mẹ. Tuy bố mẹ không đánh tôi nhưng cách họ làm khiến tôi cảm thấy vô cùng áp lực và ám ảnh chuyện điểm số. Thậm chí, tôi từng có suy nghĩ muốn được giải thoát. 

Trong khi báo đài đưa vô vàn thông tin, việc học quá tải mỗi ngày khiến tình trạng sức khỏe học sinh càng suy yếu, khả năng tập trung suy giảm nghiêm trọng. Không chỉ vậy, áp lực học tập cũng khiến nhiều bạn rơi vào trường hợp trầm cảm, thậm chí là tự sát.

Tôi không phủ nhận việc cần lấy điểm số làm tiêu chuẩn để đánh giá phần nào kết quả giáo dục. Nhưng liệu điểm số có thực sự quan trọng đến như vậy? Nó có phải là thước đo duy nhất để đánh giá năng lực của học sinh? Khi mà xã hội ai cũng mải mê chạy theo danh vọng, thành tích thì việc giảm áp lực điểm số cho học sinh là điều không dễ dàng.

Tuy nhiên, tôi mong ở thế giới tương lai của các bạn đang sống, các bậc làm cha mẹ lắng nghe nhiều hơn thay vì áp đặt con em mình. Hãy là điểm tựa để các con cố gắng hết mình mà không bị áp lực, căng thẳng đè nặng tâm trí. Thông qua lá thư này, tôi cũng muốn nhắn nhủ với những phụ huynh ở thì tương lai rằng: “Hãy để con có một thời học sinh trọn vẹn, đáng nhớ bên trường lớp, bạn bè, kỉ niệm thay vì cứ mắc kẹt trong căn bệnh thành tích. Trước khi muốn con bay thật cao, mong ba mẹ hãy giúp con làm nhẹ đôi cánh, giải thoát sức nặng về điểm số”.

Hy vọng trong tương lai, tôi và các bạn sẽ không phải suốt ngày lo lắng chuyện điểm số, được học đúng những gì mình thích và một thời học sinh đúng nghĩa trong sáng và vô tư.

Thương mến!

Ký tên