Năm 2024, cuộc thi viết thư quốc tế UPU có chủ đề là: “Trong hành trình 150 năm qua, Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) đã phục vụ hơn 8 thế hệ người dân toàn cầu. Từ đó đến nay, thế giới đã có nhiều thay đổi. Hãy viết thư gửi các thế hệ tương lai để kể về thế giới mà bạn hy vọng họ được kế thừa”.

Tiếng Anh là: "At 150 years old, the UPU has served people around the world for more than eight generations. The world has changed enormously since then. Write a letter to future generations about the world you hope they inherit".

Chủ đề của cuộc thi năm nay gắn với kỷ niệm 150 năm thành lập Liên minh Bưu chính Thế giới (1874-2024).

Dưới đây là bài mẫu viết thư UPU lần thứ 53:

Ngày… tháng… năm

Chào các bạn - thế hệ tương lai của chúng tôi!

Tôi viết lá thư này ở năm 2024 - thời đại công nghệ 5.0 đang phát triển mạnh mẽ. Hy vọng khi nhận được lá thư này bạn vẫn còn hứng thú đọc thư giấy.

“Ở đây không có wifi hãy đặt điện thoại xuống, nói chuyện với nhau như năm 1992”, tấm biển tại một quán cafe nhỏ khiến tôi giật mình nhìn nhận lại vấn đề người trẻ và việc sử dụng điện thoại di động cũng như thiết bị công nghệ.

Tôi và bạn may mắn khi được sinh ra trong thời kỳ công nghệ với vô vàn tiện ích đi kèm nhưng có bao giờ bạn nghĩ đó cũng là lý do khiến cuộc sống của mình ngày càng nhạt nhoà dần. Khi công nghệ càng phát triển, sự kết nối thật giữa con người cũng ngày càng giảm dần.

Ở thời điểm tôi đang sống, theo thống kê, số lượng người dùng điện thoại thông minh trên toàn thế giới đã chạm ngưỡng khoảng 6,925 tỷ người, gần gấp đôi so với con số 3,6 tỷ người dùng của năm 2016.

Trước đây, điện thoại vốn là sáng kiến kết nối con người với nhau nhưng dường như ngày ngày nó đang dần biến tướng trở thành vật cản trong việc kết nối tình cảm thực. Điều đó được thể hiện rõ nhất ngay ở các quán cafe - nơi vốn được coi là điểm đến cho những cuộc trò chuyện rôm rả. Bàn 4 người hay bàn 10 người, nhiều cuộc gặp gỡ tất cả thành viên đều chăm chăm vào việc sử dụng điện thoại.

Không cần biết họ sử dụng điện thoại với mục đích gì: công việc, học tập, gia đình, sức khoẻ… nhưng chắc chắn chất lượng cuộc trò chuyện, tương tác thực tế của nhóm đã bị ảnh hưởng ít nhiều.

Cá nhân tôi cũng từng rất nhiều lần là "nạn nhân" trớ trêu của việc mất kết nối trong giao tiếp đời thực chỉ vì điện thoại. Có những thời điểm, rõ ràng bản thân có một vấn đề cần tâm sự để giải tỏa nhưng khi nhìn đối phương chăm chăm vào màn hình điện thoại, tôi không còn muốn chia sẻ nữa. Cảm giác, các bạn đang hời hợt với sự hiện hữu của mình, không muốn nghe mình nói chuyện.

Tôi nghĩ rằng, khi trò chuyện trực tiếp qua việc nhìn vào mắt đối phương, những xúc cảm sẽ phát sinh, con người thấu hiểu nhau hơn. Từ đó chất lượng cuộc trò chuyện sẽ càng được nâng cao, sâu sắc hơn, gần gũi hơn.

Sinh ra trong thời kỳ công nghệ số là ước mơ của bậc cha mẹ, anh chị tôi. Họ thường nói rằng: “Thời bố mẹ làm gì có điện thoại, máy tính sướng như tụi con bây giờ”. Nhưng có đôi lúc tôi thực sự mong mình được quay lại thời kì của bố mẹ để cảm nhận “cảm xúc thực” giữa người với người một cách chân thành nhất. Để được lắng nghe, để được kết nối, để được thấu cảm nhiều hơn.

Dẫu cho cuộc sống có bộn bề ra sao, dẫu nỗi lo cơm áo có cuốn ta vào những vòng quay tất bật thế nào, tôi vẫn mong ở đâu đó, chúng ta hãy dành cho mình những phút lặng thật sự để sống với chính mình và cả những người xung quanh.

Đặt điện thoại xuống, kết nối với nhau bằng mắt, bằng miệng, bằng tai, bằng cả trái tim. Hy vọng khi nhận được lá thư này, bạn sẽ bỏ điện thoại xuống và đọc nó bằng cả sự hồ hởi, trân trọng!

Thân gửi!

Ký tên