Kính thưa các đồng chí đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn,
Thưa các đồng chí và đại biểu tham dự Hội nghị.
Hôm nay, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tổ chức Hội nghị Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và Tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã 2012. Đây là hai nội dung quan trọng không chỉ liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, mà còn ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế - xã hội tỉnh nhà, với tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng số lao động xã hội chiếm đến 49,3% trong năm 2020. Lực lượng lao động đông nhưng đây là đối tượng dễ bị tác động bởi các yếu tố thị trường, thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và mới đây là đại dịch Covid-19, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất, kinh doanh, cũng như tiêu thụ nông sản.
Từ tháng 6/2021 đến cuối tháng 9/2021, dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn Tỉnh, gây ảnh hưởng nặng nề đối với mọi mặt của đời sống xã hội. Việc áp dụng Chỉ thị 16-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ về cách ly xã hội để phòng, chống dịch đã làm một số hoạt động tổ chức sơ kết, tổng kết, trong đó có Hội nghị Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và Tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã 2012, theo hướng dẫn của Trung ương và Kế hoạch của Đảng bộ Tỉnh phải thực hiện bằng hình thức trực tuyến, tuy nhiên, việc tổ chức Hội nghị bằng hình thức trực tuyến sẽ hạn chế người tham dự do không bảo đảm trang thiết bị, đặc biệt là các Hợp tác xã, Hội quán, tổ hợp tác và một số nông dân tiêu biểu. Do đó, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quyết định dời ngày tổ chức Hội nghị chậm hơn so với yêu cầu Trung ương, để có thể tổ chức trực tiếp, để cùng thảo luận những mặt đạt được, những tồn tại, hạn chế, từ đó đưa ra giải pháp tốt hơn, đột phá hơn trong giai đoạn mới.
Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh tỉnh ta vừa vượt qua thời kỳ cao điểm của đại dịch và đang từng bước kiểm soát với mục tiêu "Thích ứng linh hoạt, an toàn, khôi phục hoạt động kinh tế - xã hội". Đặt ra nhiều yêu cầu trong hoạt động của đời sống, sản xuất, phát triển kinh tế, chính trị xã hội và hoạt động nông nghiệp - nông dân cần có những thích ứng cho phù hợp.Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ XI đã được thông qua với sự thống nhất và đồng thuận rất cao; trong đó, đã thống nhất thông qua chỉ tiêu đến năm 2025 "Phấn đấu thành lập mới 35 hợp tác xã hoạt động có hiệu quả và giảm tỷ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội còn dưới 40%". Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, thể hiện rõ quyết tâm chính trị và sự quan tâm đặc biệt của toàn Đảng bộ Tỉnh đến hoạt động của kinh tế hợp tác và Hợp tác xã.
Nhìn chung, khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn Tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả, điển hình tiên tiến như: mô hình hợp tác xã nông nghiệp Tân Bình (xã Tân Bình, huyện Thanh Bình), hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bình Thành (xã Bình Thành, huyện Lấp Vò). Từng bước khẳng định rõ hơn vị trí, vai trò của kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong sự phát triển kinh tế, nhất là đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân. Các loại hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã không chỉ góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, mà còn đóng góp lớn giải quyết việc làm, giảm nghèo, ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Trong giai đoạn 2001 - 2021, toàn Tỉnh đã thành lập mới 210 hợp tác xã, giải thể 165 HTX không hoạt động. Hiện tại, doanh thu bình quân một HTX khoảng 3 tỷ đồng. Lãi bình quân 320 triệu đồng/HTX. Thu nhập bình quân lao động thường xuyên trong HTX khoảng 70 triệu đồng. Toàn Tỉnh có 1.068 Tổ hợp tác và 17 Quỹ tín dụng nhân dân. Tỷ trọng đóng góp GRDP của khu vực kinh tế tập thể từ 0,6% vào năm 2010 đã tăng lên 1,14 % vào năm 2018.
Nổi bật trong thời gian qua, Tỉnh đã tạo ra một không gian cộng đồng để người dân đến với nhau, chia sẻ với nhau từ kinh nghiệm trong sản xuất đến kinh nghiệm trong cuộc sống. Không gian cộng đồng đó, Đồng Tháp đặt tên là "Hội quán nông dân". Hội quán được thành lập với phương châm "Chăm chỉ - Tự lực - Hợp tác", trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện, tự chủ, tự quản của người dân, là một thiết chế đa chức năng mới ở nông thôn. Từ những buổi sinh hoạt của Hội quán, chuyện xây dựng nông thôn mới, giữ gìn an ninh trật tự, hỗ trợ giảm nghèo, xử lý môi trường được chính người dân bàn luận và thực hiện. Những công trình kết cấu hạ tầng do người dân tự thực hiện, hoặc "chính quyền cung cấp vật tư - người dân thực hiện", "tình làng - nghĩa xóm" sẽ được kết chặt, niềm tin được nâng lên. Từ Hội quán, người nông dân kết nối với các doanh nghiệp, các chuyên gia từ các viện trường, nhờ đó, kiến thức của người dân được nâng lên. Vai trò chủ thể của người nông dân được phát huy, người nông dân thực sự tham gia vào quản trị địa phương và làm chủ xóm làng. Từ Hội quán đầu tiên là "Canh Tân Hội quán" tại xã An Nhơn, huyện Châu Thành được thành lập vào ngày 03/7/2016. Đến nay, toàn Tỉnh đã có 112 Hội quán và từ đó, có 27 Hợp tác xã được thành lập từ 28 Mô hình Hội quán.
Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế hợp tác, hợp tác xã của Tỉnh còn có những hạn chế, bất cập được nêu cụ thể trong Báo cáo, tôi xin không nêu lại ở đây.
Thưa quý đại biểu!
Tại Hội nghị hôm nay, ngoài mục đích đánh giá thực trạng việc tổ chức thực hiện, kết quả đạt được, những mặt còn hạn chế và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm sau 20 năm Tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012.
Tỉnh cũng yêu cầu các sở, ban, ngành và địa phương tập trung thảo luận, nghiên cứu đồng bộ các giải pháp từ trung ương đến địa phương, nhằm đề xuất giải pháp đẩy mạnh phát triển thực chất, hiệu quả và bền vững kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong thời gian tới.
Hội nghị cần có sự đánh giá thật chính xác, thấu đáo, nhìn thẳng vào vấn đề của các đại biểu, nhất là sự góp ý của đại diện hợp tác xã, tổ hợp tác, hội quán, cũng như đại diện các doanh nghiệp tham gia vào quá trình liên kết, nhằm đề ra nhiệm vụ phù hợp với tình hình mới, quan điểm mới của Đảng, Nhà nước trong quá trình lãnh đạo, điều hành. Cũng như làm cơ sở để Tỉnh có kiến nghị với các cơ quan Trung ương.
Thưa quý đại biểu!
Chúng ta đã xác định được kinh tế hợp tác, hợp tác xã là mắt xích quan trọng, quyết định nhiều đến việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã là chủ trương đúng đắng và phù hợp với xu thế chung. Vậy các chính sách hiện tại có đủ mạnh và hấp dẫn để thúc đẩy kinh tế hợp tác, hợp tác xã phát triển? Ngoài các chính sách chính của Trung ương thì Tỉnh cần có chính sách gì khác biệt để tạo nên sự đột phá trong phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã? Người dân, doanh nghiệp cần thay đổi gì, làm gì để có thể cùng nhau xây dựng, phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã?
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, tôi xin tuyên bố khai mạc và gợi mở một vài nội dung để Hội nghị cùng nhau suy nghĩ, thảo luận.
Kính chúc tất cả quý vị đại biểu luôn mạnh khoẻ, hạnh phúc, thành công!
Chúc Hội nghị đạt nhiều kết quả thiết thực.
Trân trọng cảm ơn!