Ảnh minh họa: Internet |
Các hãng công nghệ từ lâu nổi tiếng với những bổng lộc “vô tiền khoáng hậu”. Nguyên nhân chính nằm ở việc tuyển và giữ chân người tài rất khó khăn, đặc biệt trong môi trường siêu cạnh tranh như công nghệ.
Tại Trung Quốc, công ty công nghệ thường gửi nhân viên đến châu Âu cho các hoạt động xây dựng đội ngũ (team building). Số khác lại tặng iPhone đời mới cho nhân viên. Bù lại, nó sản sinh văn hóa làm việc bán sức 996, từ 9 giờ sáng tới 9 giờ tối, 6 ngày một tuần.
Hãng tìm kiếm Baidu đang đánh giá lại điều này. Từng được xếp vào hàng ngũ các hãng công nghệ lớn nhất Trung Quốc cùng với Alibaba, Tencent, công ty do Robin Li Yanhong sáng lập nay chứng kiến cổ phiếu giảm 34% trong năm 2019. Đầu năm nay, ông Li cảnh báo “mùa đông sắp đến”. Baidu bước vào chế độ cắt giảm chi phí.
Trong thông báo đăng trên website nội bộ Baidu, công ty chỉ trích hành vi xa xỉ như ở khách sạn năm sao cho các hoạt động team building, bay vé thương gia khi đi công tác, ăn tối tại nhà hàng cao cấp. Họ còn chỉ ra các hành vi lãng phí như dùng tới 3-5 khăn giấy để lau tay trong khi chỉ cần 1, không tắt đèn khi rời văn phòng, dùng cốc giấy trong khi có thể mang theo cốc riêng.
Thông báo nêu rõ: “Cắt giảm chi phí, chống lãng phí là yêu cầu quản trị cơ bản đối với bất kỳ công ty nào nếu muốn hoạt động lâu dài, mang lại giá trị đích thực cho xã hội, ngành và người dùng. Tuy nhiên, các đồng nghiệp của chúng ta đang dần mất đi nhận thức giá trị khi ngành công nghiệp bùng nổ và công ty lớn mạnh. Hành vi lãng phí xảy ra thường xuyên”.
Công ty khuyến khích nhân viên “sống giản dị”, loại bỏ các chi phí bất hợp lý, tránh lãng phí nơi làm việc. Những điều này dựa trên cuộc họp giữa ông Li và các quan chức cao cấp của công ty.
Tháng 5/2019, Baidu báo cáo lỗ quý đầu tiên kể từ khi lên sàn năm 2005. Tháng 8/2919, sau khi lãi giảm 62%, ông Li viết trong thư gửi nhân viên thề “thay đổi từ trên xuống dưới, liên quan tới cấu trúc doanh nghiệp, luân chuyển nhân sự và củng cố kinh doanh”. Ông cam kết các thay đổi sẽ mang đến “tác động tích cực và sâu rộng, giúp Baidu đi xa hơn, ổn định hơn”.
Baidu từng nắm 70% thị phần tìm kiếm trực tuyến Trung Quốc. Tuy nhiên, hành vi sử dụng Internet thay đổi đã ảnh hưởng tới vị trí của công ty, đặc biệt sau khi hệ sinh thái siêu ứng dụng của Alibaba, Tencent xuất hiện.
Trong khi đó, Baidu vấp phải cạnh tranh mới trên thị trường tìm kiếm là ByteDance, công ty đứng sau TikTok và ứng dụng đọc tin tức Jinri Toutiao. Startup gần đây cho biết đang xây dựng “công cụ tìm kiếm chung mang đến trải nghiệm người dùng lý tưởng”.