Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp (DN) lại than thở bán hàng online dù tiết kiệm được tiền thuê mặt bằng, nhân công nhưng tốn kém khá nhiều cho các khoản quảng cáo, marketing... trên sàn thương mại điện tử để sản phẩm được hiển thị nổi bật, đập vào mắt khách hàng.
Các sàn sau thời gian hỗ trợ để thu hút người bán hàng đã chuyển sang thu phí. Và khi những loại phí này được tính đủ thì không hề kém cạnh chi phí bán hàng ở siêu thị. Vậy nên, khi kinh doanh trên các sàn, DN phải nghiên cứu kỹ đối tượng khách hàng của sàn đó để chọn lọc các chương trình khuyến mãi hiệu quả để tham gia. Bởi thực tế, có món bán được trên sàn này lại không bán được trên sàn kia, nếu không kiểm soát kỹ, gian hàng có thể bị khóa chỉ vì một phàn nàn nhỏ nhặt của khách hàng.
Mạng xã hội Facebook, nơi từng giúp người người, nhà nhà đưa hàng lên bán vì miễn phí cũng từng bước siết chặt theo kiểu "thà chặn nhầm còn hơn bỏ sót" ,buộc những người kinh doanh phải chi tiền quảng cáo mới tiếp cận được khách hàng và chi phí để có một khách hàng mới từ nguồn này cũng tăng phi mã. Một DN nông sản bán hàng online từng tính toán chi phí để có một khách hàng mới trong năm 2020 là hơn 200.000 đồng, gấp 6 lần trước khi dịch Covid-19 bùng nổ.
Theo nhiều DN, đầu tư phát triển mảng kinh doanh trực tuyến là việc phải làm, vấn đề là làm sao để có hiệu quả về sau chứ hiện tại chắc chắn chưa thể mang lại lợi nhuận ngay được. Bởi lẽ, hệ thống bán hàng online cần thời gian mới đạt được quy mô tối ưu, giúp giảm thiểu chi phí trên từng đơn hàng. Nói một cách đơn giản, khi số lượng đơn hàng nhiều lên, chi phí vận hành từ đóng gói đến giao nhận sẽ giảm và lợi nhuận sẽ tăng.
Cũng có những khoản đầu tư mà không ít DN nhận ra ngay đó là sai lầm, đơn cử như việc phát triển app (ứng dụng) bán hàng trên điện thoại thông minh. Chủ một chuỗi bán lẻ thực phẩm thực phẩm sạch từng bộc bạch: "Các công ty công nghệ giới thiệu rất hay, vẽ ra doanh số khủng nhưng thực tế người tiêu dùng tải app xong, xóa app cũng rất nhanh vì lo điện thoại chạy chậm. Chỉ những app phục vụ đa dạng nhu cầu hằng ngày như Grab, Gojek... họ mới giữ lại trong máy". Chưa kể, bán hàng online không thể thay thế kênh bán hàng truyền thống nên DN vẫn phải giữ nguồn lực để tập trung chăm sóc kênh phân phối truyền thống, từ tạp hóa đến chợ, siêu thị. Do đó, khi nguồn lực có hạn, các DN phải tính toán làm sao để từng đồng bỏ ra không bị lãng phí.
Một số DN đang chọn phương án tập trung bán hàng online trực tiếp để tránh phụ thuộc các sàn. Việc này giúp DN có cơ sở dữ liệu về khách hàng chính xác để có thể lên kịch bản bán hàng phù hợp cũng như hoạch định sản xuất trong tương lai. Tuy nhiên, việc phát triển gian hàng ở đâu, dẫu trực tiếp hay online đều phải tính đến khả năng vận hành và quản trị để bảo đảm hiệu quả trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt hiện nay.
(Theo Người Lao Động)