Bộ GD-ĐT đang dự thảo Luật Nhà giáo, trong đó, đề xuất tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Tuy nhiên, bình luận trên VietNamNet, nhiều độc giả cho rằng thực tế, vẫn còn rất nhiều ngành nghề vất vả, cực nhọc hơn nghề giáo nhưng chưa được trả lương tương xứng.
Độc giả Hoàng Lân Vũ viết: “Về áp lực công việc, ngành nghề nào cũng sẽ có những đặc thù riêng không thể so sánh nhưng xét chi tiết hơn, nghề giáo viên còn có 3 tháng hè với tải trọng công việc rất ít. Ngoài ra trong 9 tháng dạy học, giáo viên hầu như chỉ dạy một buổi sáng hoặc buổi chiều. Việc cơ quan yêu cầu tăng ca so với ngành nghề khác là rất ít.
Trước đây, nghề giáo viên có thể có mức lương thấp nhưng hiện nay, sau các lần điều chỉnh và thêm chính sách thâm niên, nghề giáo không còn thấp hơn các ngành nghề công chức khác. Thậm chí, tính về giá lương trên mỗi giờ làm việc, nghề giáo viên đôi khi còn cao hơn nhiều ngành nghề khác. Trong khi đó ở nước ngoài, giáo viên không phải là nghề được trả lương cao nhất”.
Độc giả Khải Quang cũng cho rằng, nghề giáo là nghề cao quý nhưng không thể xếp lương cao nhất vì nghề nào cũng có đặc thù khó khăn, vất vả riêng. “Giáo viên mỗi năm được nghỉ 3 tháng, cũng không phải hàng ngày, hàng giờ phơi mình trong nắng mưa như những kỹ sư xây dựng cầu đường, các chiến sỹ công an, quân đội...”.
“Có chăng chỉ nên để hệ số lương giáo viên ở các vùng sâu, vùng xa cao hơn lương của các ngành nghề khác. Thực tế, nhiều thầy cô ở vùng đồng bằng, thành phố thu nhập cũng rất cao”, độc giả bày tỏ.
Đồng quan điểm, độc giả Nguyễn Thanh Hải cho hay, sinh viên ngành Sư phạm được miễn 4 năm học phí đã là một sự ưu ái. Đến khi đi làm, giáo viên còn được nghỉ cuối tuần và 3 tháng hè. Trong khi đó, những cán bộ ngành Y đôi khi phải thức trắng đêm, trực cả lễ tết... “Nhiều ngành nghề vất vả hơn nghề giáo rất nhiều”, độc giả bày tỏ.
Độc giả Nguyễn Ngọc Yến viết: “Có những giáo viên ngày chỉ đi dạy một buổi. Đáng lẽ thời gian còn lại, họ phải soạn giáo án, chấm thi... thì lại than mang việc về nhà. Trong khi nghề Y phải trực 24/24, tiếp xúc, phơi nhiễm với biết bao bệnh nhân; khi gặp thiên tai, dịch bệnh cũng phải đương đầu. Nhà có hai vợ chồng làm nghề Y phải đi trực ca, có khi nửa tháng không được gặp nhau. Tôi tôn kính nghề giáo nhưng xét thấy cũng cần có cái nhìn công bằng. Nghề nào cũng có những đặc thù, khó khăn vất vả riêng”.
“Giáo viên không có nghỉ hè”
Tuy nhiên, không ít giáo viên phủ nhận “không có chuyện học sinh nghỉ 3 tháng hè là giáo viên cũng được nghỉ”.
Độc giả Uyên Diễm viết: “Giáo viên không hề được nghỉ 3 tháng hè mà vẫn phải làm nhiều việc khác trong thời gian này. Chẳng hạn giáo viên THPT phải tham gia vào công tác coi thi tốt nghiệp THPT vào tháng 6. Ai tham gia chấm thi phải tham gia vào đầu tháng 7. Sang tháng 8, giáo viên lại tiếp tục tham gia vào các lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ do ngành tổ chức. Giữa tháng 8 là thời gian tựu trường, lấy đâu ra 3 tháng để nghỉ”.
Một độc giả khác cũng đồng tình: “Không có chuyện giáo viên là công việc tốn ít thời gian, cũng không có chuyện không đến lớp vẫn được hưởng lương đều. Nói giáo viên nghỉ 3 tháng hè cho sang chứ thầy cô vẫn phải trông thi, chấm thi vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT... Những ai không phải làm nhiệm vụ liên quan đến các kỳ thi cũng còn rất nhiều việc khác phải đến trường.
Thầy cô còn phải tham gia tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để chuẩn bị cho năm học mới. Tóm lại ngành nghề nào cũng có vất vả riêng, không thể nói nghề nào khổ hơn để đòi đãi ngộ cao hơn được”.
Có vợ đang là giáo viên tiểu học, độc giả Hoàng Minh cho hay: “Giáo viên chưa từng nghỉ một mùa hè nào trọn vẹn. Chưa kể, nghề giáo cũng không nhàn chút nào. Vợ tôi vào năm học ngày nào cũng phải nói liên tục mấy tiếng đồng hồ, tối về lại phải thức khuya soạn giáo án, chấm bài, rồi chuyên đề, sáng kiến kinh nghiệm, nhiều khi còn không có thời gian dạy con”.
Nhiều ý kiến khẳng định ngoài việc dạy học, giáo viên còn có rất nhiều nhiệm vụ khác. Nếu là giáo viên cốt cán sẽ gánh nhiều “trọng trách” ngốn thời gian hơn như tập huấn lại cho đồng nghiệp, làm cộng tác viên ngân hàng đề thi, dạy đội tuyển học sinh giỏi và loạt công việc không tên do cấp trên giao.
“Nghề giáo không nhàn và tốn ít thời gian như nhiều người vẫn tưởng. Do đó, cần nâng lương để tương xứng với công sức của giáo viên bỏ ra”, độc giả bình luận.
Huyền Chi