Hai tác giả Michael Fredric Roizen và Mehmet Cengiz Oz cho rằng quá trình lão hóa diễn ra tuần tự: con người yên tâm tận hưởng cuộc sống cho đến một ngày bỗng nhận ra mình đã già với các triệu chứng như thoái hóa xương, đau lưng, giảm thính lực và đời sống tình dục suy giảm....

Bộ đôi tác giả ví cuốn sách như “dược liệu” mang tên “thuốc chống già,” tập trung vào điều trị bệnh mãn tính và phục hồi bệnh cấp tính liên quan đến tuổi tác như ung thư, đau tim hay đột quỵ...

Họ nhấn mạnh, cách duy nhất để thêm những năm tháng ý nghĩa là giảm nguy cơ mắc bệnh, bằng cách làm chậm quá trình lão hóa ở cấp độ tế bào. Lão hóa và bệnh tật có mối liên hệ chặt chẽ nhưng không hoàn toàn đồng nhất.

banmaitre 001.jpg
Sách ''Bạn mãi trẻ'' của hai tác giả Michael Fredric Roizen và Mehmet Cengiz Oz. Ảnh: NXB Trẻ

Khi già đi, các bộ phận cơ thể dần xuống cấp, làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên, bằng cách làm chậm lão hóa và ngăn ngừa bệnh tật, con người có thể vừa sống lâu vừa sống khỏe.

Trong cuốn Bạn mãi trẻ, khái niệm “lão hóa” rõ ràng là sự trượt dốc của cơ thể, nhưng có thể điều chỉnh các mắt xích yếu kém - những bộ phận cơ thể dễ bị tổn thương nhất. Quan trọng hơn, không bao giờ là quá muộn để thay đổi, bắt đầu từ các bước đơn giản: hạn chế lượng calorie nạp vào, tăng cường luyện tập, cải thiện giấc ngủ ngon - đây là 3 liều thuốc chống lão hóa tự nhiên tốt nhất.

Bộ đôi bác sĩ ví cơ thể con người như một thành phố, một số thành phố vẫn trang nhã sau nhiều năm (chẳng hạn các thành phố châu Âu cổ như London), số khác nhanh chóng suy thoái, tan hoang. Mỗi thành phố đều có một bộ gene tượng trưng cho địa lý.

“Long mạch” thành phố có thể được xây dựng bên một con sông, một vùng khí hậu khắc nghiệt, hay nằm ngay trên đường đi thường xuyên của bão… Địa lý của một thành phố vốn không thể thay đổi, nhưng hoàn toàn có thể thích ứng với môi trường bằng kiến trúc chống động đất, các đường hầm cho người đi bộ vào mùa đông, hay hệ thống phà thuyền phục vụ… Điều này rất quan trọng cho sự tồn vong của mỗi thành phố. 

Việc con người đã được tiền định với các mã gene khiến cơ thể dễ mắc chứng đau tim, tiểu đường hay béo phì… không có nghĩa là chúng ta không thể làm giảm bớt tác hại của các gene này. Dù chẳng thể thay đổi được mã gene di truyền, nhưng con người vẫn có thể phát huy hay làm mất tác dụng của chúng.

Trong khi một số thành phố xuống cấp thì số khác vẫn giữ vững và nâng cấp lên nhờ quản lý đúng và đầu tư kịp thời. Đây cũng là cách mà mỗi người có thể sống dễ chịu và mạnh mẽ với bộ cơ sở hạ tầng về cơ bản là rất cũ. 

Sách viết rằng, quá trình lão hóa là không tránh được, nhưng tốc độ lão hóa không như vậy. Đơn cử, chỉ 10% các cụ trên 70 tuổi là ốm yếu, còn khi đạt đến 100 tuổi thì tỷ lệ yếu là 100%.

“Mục đích của chúng tôi ở đây là đảm bảo rằng bạn sẽ có cuộc sống chất lượng cao cho đến khi nào - xin lỗi về sự thiếu tế nhị - bạn ngã xuống”, Roizen và Oz khẳng định. 

Thật ra, sống lâu không phải là “chết muộn” như nhiều người vẫn hay nghĩ, mà phải là hưởng thụ mỗi khoảnh khắc của một cuộc sống trường thọ - thọ hơn để sống. Cứ 8 năm tốc độ lão hóa của con người lại tăng gấp đôi, nếu duy trì điều này ở tuổi 40, chúng ta sẽ sống qua tuổi 120 và “chết vì cao tuổi”. Thế nhưng, cuốn sách Bạn mãi trẻ không giúp bất kỳ ai sống đến 120 tuổi trừ khi đó là 120 năm sống có chất lượng. 

Xuyên suốt cuốn sách, chúng ta sẽ dần khám phá ra các “thủ phạm” gây lão hóa nguy hiểm: glycosylation, calorie, hormone lập dị, tia tử ngoại… Tất cả đều đang “ăn mòn” các cấu trúc bên trong và "thành phố" của mỗi người sẽ dần sụp đổ. Nắm được nguyên nhân của lão hóa, con người sẽ sáng suốt hành động để kéo dài thời gian bảo hành cho bản thân.

Michael Fredric Roizen (sinh năm 1946) là GS Y học ở Cleveland Clinic Lerner College of Medicine. Ông từng đảm nhận chức Chủ tịch Hội gây mê tim mạch ở Hoa Kỳ. Roizen được bình chọn là một trong các bác sĩ xuất sắc nhất. Hiện ông là cố vấn về sức khỏe của nhiều chương trình truyền hình nổi tiếng. Đặc biệt, Roizen là tác giả và đồng tác giả của 6 cuốn sách New York Times bán chạy nhất mọi thời đại.

Không kém cạnh, Mehmet Mehmet Cengiz Oz (sinh năm 1960) cũng là giáo sư kiêm phó chủ nhiệm của khoa phẫu thuật của Columbia University. Ngoài ra, ông điều hành Viện Tim mạch Hoa Kỳ và sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Heals Crops.