Các tập đoàn nước ngoài luôn có sẵn hàng tỷ USD và hàng năm trời chờ đợi để mua bằng được những doanh nghiệp (DN) hàng đầu Việt Nam nhằm thâu tóm thị trường.

Bán DN cho đối tác ngoại, thu hút đầu tư hay thoái vốn DN nhà nước có thể thu được nhiều hơn so với bán cho DN trong nước nhưng về dài hạn, khi các nhà đầu tư nước ngoài đã chi phối thị trường thì nền kinh tế sẽ dần phụ thuộc vào ngoại lực

Đại gia ngoại… vô địch chuyển giá

Sau 12 năm vào Việt Nam, được hưởng rất nhiều ưu đãi để phát triển hệ thống 12 siêu thị trên cả nước, Metro Việt Nam đã bán lại cho người Thái lấy 900 triệu USD ra đi, để lại một quá trình hoạt động gần như thua lỗ, đóng thuế TNDN không đáng kể. Thậm chí, trước khi rút lui, ông lớn này còn dính án chuyển giá, ẩn lậu thuế hơn 500 tỷ đồng.

Trước Metro là “ông lớn” Coca Cola. Từ mô hình liên doanh, Coca Cola “mượn đường diệt Quắc” đánh bật các đối tác Việt như Vinafimex, Nước giải khát Đà Nẵng ra khỏi liên doanh vì duy trì lỗ gần 20 năm. Mãi đến 2014, khi nhiều sức ép về chuyển giá được đặt ra, Coca Cola mới bắt đầu báo lãi và thực hiện nghĩa vụ thuế. “Chiêu trò” tương tự cũng được đặt ra nghi vấn với PepsiCo.

{keywords}
Thương vụ tỷ USD và vết đen chuyển giá: Dấu ấn của Metro

Trong đợt 'đánh' chuyển giá vào 2013, KeangNam - đại gia đình đám với tòa nhà cao nhất Việt Nam cũng bị ngành thuế phát hiện gian dối thuế và chuyển giá với tổng giá trị bị điều chỉnh lên đến 1.200 tỷ đồng sau 5 năm liên tục báo lỗ.

Theo công bố của Tổng cục thuế trong cuộc tổng rà soát vào 2013 về kết quả kinh doanh đối với 5.531 DN FDI (chiếm khoảng gần 60% số DN FDI đang hoạt động), thì có tới 3.175 doanh nghiệp có số lỗ luỹ kế đến thời điểm đánh giá. Nhiều địa phương tuy thu hút vốn FDI khá nhưng tỷ lệ FDI báo lỗ qua các năm cũng luôn luôn trên dưới 50%.

Thực tế, rất nhiều DN nước ngoài vào Việt Nam, đường hoàng nhận các ưu đãi khủng mà các doanh nghiệp trong nước mơ ước nhưng thực tế đóng góp cho ngân sách và nền kinh tế không hề xứng tầm

Ngay cả các đại gia ngoại báo lãi thì thực đóng góp cho kinh tế rất thấp. Số liệu mới công bố cho thấy, Samsung và Electronics Việt Nam báo đạt gần 70.000 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2015. Với 3,1 tỷ USD lợi nhuận làm ra trong năm 2015, hai DN này sẽ phát sinh khoản thuế thu nhập doanh nghiệp vào khoảng 600 triệu USD ~ 13.000 tỷ đồng. Tuy vậy, nhờ được hưởng rất nhiều ưu đãi nên số thuế thực nộp của 2 DN này đang cực kỳ thấp, chỉ bằng phần lẻ của con số trên.

Đã có rất nhiều chuyên gia phản ứng về thực tế ưu ái “ngoại” hơn “nội”. Chuyên gia kinh tế TS Bùi Trinh cho rằng, DN tư nhân trong nước không có sân chơi sòng phẳng với khối ngoại, khối ngoại ở đây không chỉ là khối DN FDI mà còn tất cả cái gì mang hơi hướng ngoại nói chung. Ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP may Sông Hồng ngậm ngùi tâm sự: “Người nước ngoài sang Việt Nam không phải để làm từ thiện nhưng DN nước ngoài đi đến đâu là chính quyền trống giong cờ mở. DN nước ngoài có ăn đời ở kiếp với chúng ta đâu. Khi nào họ kiếm được lợi thì ở, hết là họ đi”.

Điển hình là Sony. Năm 2008, sau hơn 14 năm làm ăn ở Việt Nam, Sony đã đóng cửa nhà máy, không sản xuất nữa mà chuyển sang nhập khẩu hoàn toàn sản phẩm. Lý do được giới nghiên cứu chỉ ra là thời hạn ưu đãi của Sony đã hết.

Là một trong những chuyên gia đầu tiên lên tiếng về việc Việt Nam “quá chiều DN FDI”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh: Sau 50 năm đồng hành cùng cộng đồng DN, trong tương quan so sánh với các nền kinh tế khác, tôi càng thấm thía rằng, một nền kinh tế phát triển được chỉ khi có cộng đồng DN nội địa mạnh, trong đó DN sản xuất và DN dịch vụ đóng vai trò chủ chốt.

Cần các trụ cột cho kinh tế Việt

Với kinh nghiệm từ những nền kinh tế lớn, các nền kinh tế như Hàn Quốc thì luôn có các DN doanh nghiệp đầu tàu như Samsung, Hyundai, Lotte… để làm trụ cột cho nền kinh tế. Khi các DN này phát triển, đóng góp tỷ trọng lớn GDP và đề kháng nước trước sự 'xâm lăng' về kinh tế. Câu hỏi đặt ra, là phải làm gì để có những SamSung Và Lotte của Việt Nam?. Và nếu các thương hiệu Việt đình đám như Sabeco, Habeco, Vinamilk, FPT Telecom, Nhựa Tiền Phong, Nhựa Bình Minh… về tay đại gia ngoại thì điều gì sẽ xảy ra?

Khi nhà đầu tư ngoại vào Việt Nam, họ đòi hỏi các chính sách hỗ trợ miễn giảm thuế và lợi nhuận họ được chuyển về nước. Còn DN nội không thể mang lợi nhuận đi đâu, họ đóng thuế và tiếp tục đầu tư để phát triển và tạo dựng an sinh xã hội.

Văn kiện Đại hội 12 cũng xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế trong nước, điều này cũng phù hợp với chủ trương thoái vốn Nhà nước khỏi các DN lớn như Sabeco, Habeco, Vinamilk…

Nhưng sau thoái vốn Nhà nước thì các thương hiệu Việt này về tay ai?

{keywords}
Nhiều tương hiệu Việt đã chết yểu trong tay đại gia ngoại.

Rõ ràng với chủ trương đấu thầu quốc tế, DN Việt khó mà “đấu” lại được DN ngoại. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo cần có biện pháp pháp lý để giữ các thương hiệu quốc gia này sau khi bán vốn nhà nước. Có điều, với những chiêu trò thâu tóm hợp pháp của các đại gia ngoại thì những bài học của Huda beer, Tribico, Dạ Lan… nhiều khả năng lặp lại.

Cũng cần lưu ý thêm, các thương hiệu “đẻ trứng vàng” Sabeco, Habeco, Vinamilk… không chỉ có thương hiệu giá trị, nắm trong tay nhiều bất động sản….mà còn đang nắm chi phối thị trường 90 triệu dân với những hệ thống phân phối “đáng thèm muốn” trên toàn quốc. Và khi nắm được kênh phân phối sâu đến từng điểm bán lẻ tận vùng nông thôn, các đại gia ngoại không khó để chi phối thị trường, thậm chí đưa vào hệ thống nhiều sản phẩm tiêu dùng nhập ngoại ngoài bia ,rượu, sữa… đè bẹp các nhà sản xuất nội địa khác. Không phải tự nhiên Metro báo lỗ triền miên mà vẫn được người Thái mua lại với giá 900 triệu USD.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng để tránh tình trạng trên cần có phương án ưu tiên DN nội đủ tiềm lực tham gia vào các lĩnh vực quan trọng khi nhà nước thoái vốn và kiềm chế các DN ngoại tiếp cận sâu, nếu không có lúc chúng ta sẽ phải tự hỏi: Một khi sản xuất và tiêu dùng trong nước phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài thì đất nước có gì?.

Đã đến lúc Chính phủ cần tạo cơ hội cho DN Việt được tham gia quá trình cổ phần hoá các DNNN ở tâm thế “chủ nhà” chủ động và được hậu thuẫn như đang ưu ái DN nước ngoài. Và điều này, không chỉ đem lại lợi ích cho các thương hiệu được thoái vốn mà còn có giá trị cộng hưởng cho cả nền sản xuất nội địa, gia tăng nội lực , củng cố sức mạnh cho nền kinh tế.

Lương Dũng