- “Báo chí phải thể hiện dòng chảy chính của xã hội hiện nay, tạo sự đồng thuận xã hội, tạo niềm tin xã hội và tạo nên khát vọng về một Việt Nam hùng cường”.
Toàn văn phát biểu của Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng
Đây là thông điệp và chỉ đạo của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trong bài phát biểu khai giảng lớp “Bồi dưỡng nâng cao kiến thức quản lý nhà nước về báo chí” cho 130 học viên là lãnh đạo của 80 cơ quan báo chí sáng 13/11 tại Hà Nội.
Lấy lại thương hiệu cho người làm báo
Theo Bộ trưởng, báo chí phải thể hiện được dòng chảy chính của xã hội, đó là Việt Nam đang là một trong những nước phát triển tốt nhất trên thế giới.
Ông cho rằng: “Nếu nói cái xấu nhiều trên báo để nhân dân cảm nhận nó như dòng chảy chính thì là làm mất lòng tin của nhân dân vào đất nước, vào chế độ, vô hình trung chúng ta làm mất đi sức mạnh dân tộc mình, vô hình trung làm mình yếu đi, giúp cho kẻ thù mạnh lên. Tìm ra cái ngưỡng phê phán để vừa đủ thúc đẩy, vượt qua cái ngưỡng đó là xói mòn mức mạnh. Đây là việc khó”.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng |
Người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông trăn trở, báo chí tạo niềm tin xã hội, thì phóng viên phải là người được tin cậy nhất. Nhưng theo một điều tra xã hội gần đây, họ lại nhận được niềm tin thấp trong xã hội. “Chúng ta chắc đã đến lúc phải suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này. Lấy lại thương hiệu cho những người làm báo, việc này chỉ có thể là chính chúng ta làm, không ai ngoài chúng ta cả”, ông nhấn mạnh.
Bộ trưởng cho hay, Bộ TT&TT đang xây dựng trung tâm lưu chiểu quốc gia về truyền thông số, gồm báo chí, PTTH, xuất bản, nhờ đó có thể phân tích, đánh giá, nhìn thấy xu thế, kể cả số liệu thống kê về bài viết tích cực, tiêu cực, từ đó nhìn thấy dòng chảy chính của báo chí đang là gì.
Sống được bằng nghề để phụng sự Tổ quốc
Bộ trưởng chia sẻ với các học viên về những khó khăn, thách thức với người làm báo hiện nay. Ông nói, làm báo phải sống được bằng nghề. Không sống được bằng nghề thì khó làm tốt được. Bây giờ báo nhiều, thị trường quảng cáo đã nhỏ, lại đang bị mạng xã hội lấy mất đến gần 40%, nên báo chí rất khó khăn.
Để đời sống kinh tế báo chí tốt lên, bên cạnh việc qui hoạch lại để tinh hơn, báo chí nên có bộ phận làm thêm các dịch vụ, như tư vấn truyền thông, tổ chức sự kiện, đánh giá dư luận xã hội... Cơ quan báo chí cũng phải tích luỹ tài sản để đỡ cho thế hệ sau phải bươn chải thị trường nhiều hơn. Để giữ định hướng, Đảng và Nhà nước cần tăng cường ngân sách để đặt hàng báo chí, vừa là định hướng vừa là giúp anh em báo chí có thu nhập ổn định một phần.
Bộ trưởng khẳng định sự cần thiết của quy hoạch báo chí. Việc làm này không phải siết báo chí mà là làm cho báo chí phát triển lành mạnh, bền vững, vì mục tiêu phụng sự Tổ quốc phát triển.
Ông phân tích, với hàng ngàn tờ báo, tạp chí, trang tin thì không tờ báo nào có thể phủ hết cả thị trường. Mỗi tờ báo phải chọn một phân đoạn thị trường cho mình và khai thác sâu thị trường đó. Sự khác biệt của mỗi tờ báo sẽ là yếu tố quan trọng nhất để tồn tại, để có chỗ đứng trong lòng độc giả. Đi tìm sự khác biệt sẽ là công việc đầu tiên, quan trọng nhất của mỗi tờ báo.
Với sứ mạng thiêng liêng trong tim, trong não, báo chí sẽ nghĩ khác và làm khác
Dẫn chứng về việc báo chí không thể nhanh hơn mạng xã hội, Bộ trưởng cho biết, CNN khi xuất hiện mạng xã hội đã đổi slogan từ tin nhanh nhất sang tin chính xác nhất.
“Báo chí của chúng ta không nên chạy đua với mạng xã hội về việc đưa tin nhanh nhất. Hãy đưa tin có kiểm chứng. Báo chí phải thấy rõ giá trị của mình để phát huy, thay vì bắt chước thì hãy giữ giá trị cốt lõi của mình. Phải dùng công nghệ nhiều hơn. Cái mà chúng ta phải học mạng xã hội chính là công nghệ”, ông nói.
Nêu bật sứ mệnh của báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: "Việt Nam muốn sánh vai cường quốc năm châu, muốn hùng cường để không kẻ thù nào dám đến xâm lược, để hoà bình mãi mãi trên mảnh đất này thì chúng ta phải khai phóng được nguồn tài nguyên vô hạn của đất nước này, đó là năng lượng, là trí tuệ trong não mỗi người Việt Nam. Chỉ có báo chí mới làm được, đó là tạo lên niềm tin và khát vọng dân tộc. Sứ mạng vĩ đại ấy đặt lên vai những người làm báo chúng ta. Cũng chỉ hơn 20.000 người thôi, nhưng các bạn có thể thay đổi Việt Nam. Với sứ mạng thiêng liêng ấy trong tim, trong não, các bạn sẽ nghĩ khác và làm khác".
Khóa bồi dưỡng nâng cao kiến thức quản lý nhà nước về báo chí dự kiến diễn ra trong 2 tuần với các chuyên đề chính như: Chiến lược và kế hoạch phát triển cơ quan báo chí; Quản lý nhà nước về báo chí; Tác nghiệp báo chí trong môi trường công nghệ số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư...
Phát biểu của Bộ trưởng TT&TT tại khóa bồi dưỡng nâng cao kiến thức quản lý nhà nước về báo chí
Bộ TT&TT đã khai giảng lớp “Bồi dưỡng nâng cao kiến thức quản lý nhà nước về báo chí” cho 130 học viên là lãnh đạo của 80 cơ quan báo chí.
Toàn văn trả lời chất vấn của Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trước Quốc hội
Toàn văn trả lời chất vấn của Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trước Quốc hội chiều 31/10.
Siết chặt việc giả danh báo điện tử và tỷ lệ tin tiêu cực trên báo chí
Quyền Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu phải phân biệt rạch ròi giữa báo và tạp chí điện tử.
Cục Báo chí lập đường dây nóng nhận tin giả mạo nhà báo
Cục Báo chí (Bộ TT&TT) lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin để ngăn chặn việc giả mạo nhà báo để sách nhiễu doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
Thái An