Thói quen khiến học sinh gù

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm, Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, đốt sống của trẻ có thể bị ảnh hưởng từ các tư thế sai. Đặc biệt, tư thế ngồi của học sinh rất quan trọng nếu thầy cô giáo, người lớn không chú ý lâu dài thành thói quen sẽ ảnh hưởng tới cột sống của trẻ. Cột sống của người bình thường có độ cong sinh lý, chịu được lực tải của cơ thể nhưng ngồi lâu và không đúng tư thế làm cho lực tải bất thường này làm biến dạng cột sống, vẹo và gù cột sống.

Khi trẻ gù vẹo, chức năng hô hấp của trẻ bị ảnh hưởng, quá trình tiêu hóa không được tốt. Vì vậy, cần đảm bảo hệ xương của trẻ nhỏ ở lứa tuổi học đường được tốt nhất.

Ngồi đúng tư thế là ngồi thẳng lưng, đùi thẳng góc với thân, đầu gối cao hoặc ngang xương hông. Tư thế tốt nhất là đầu gối cao hơn xương hông, lưng có thể dựa ghế, chân chạm đất hoặc có trụ đỡ dưới bàn giảm bớt lực tải của cơ thể lên vùng lưng.

W-gu-veo-cot-song-1.png
Tư thế ngồi ảnh hưởng tới cột sống của trẻ.

Điều trị cong vẹo cột sống cho học sinh sớm

Theo bác sĩ Calvin Q. Trịnh, Trưởng đơn vị - Trung tâm hiệu chỉnh cơ xương khớp y học thể thao TP.HCM, gù vẹo là bệnh thay đổi cột sống gặp phổ biến ở lứa tuổi học sinh. Gù vẹo cột sống không chỉ tổn thương thể chất, trẻ em bị gù vẹo cột sống còn thường tự tin, trầm cảm. Nhiều trường hợp trẻ được ba mẹ đưa đến khám đều có dấu hiệu trầm cảm.

Khi trẻ gù vẹo có thể biến dạng lồng ngực, đi lại, sinh hoạt, học tập trẻ đã khó thở. Gù vẹo còn ảnh hưởng tới chấn thương tủy sống, thoát vị ruột.

Học sinh có dấu hiệu vẹo cột sống cần khám và theo dõi bởi bác sĩ thường xuyên. Người bệnh không nên chỉ áp dụng áo nẹp. Áo nẹp chỉ ngăn ngừa không cho bệnh tiến triển thêm. Bác sĩ Calvin Q. Trinh cho biết ông gặp rất nhiều trường hợp mẹ thấy con có dấu hiệu cong vẹo cột sống từ năm 13 tuổi và mua áo nẹp cho con mặc. Tới năm trẻ 18 tuổi mới đi khám lại, khi đó cong vẹo cột sống khó điều trị hơn. 

Vì vậy, vị chuyên gia này khuyến cáo nếu trẻ có dấu hiệu gù, cha mẹ cần lưu ý điều trị thật sớm đặc biệt trước tuổi dậy thì. Bởi sau dậy thì xương sẽ cốt hóa, trong giai đoạn dậy thì xương phát triển nhanh dẫn tới tình trạng đốt sống biến dạng, bên thấp, bên cao… dẫn tới cột sống biến dạng nên việc điều trị ít hiệu quả. Khi đó, chỉnh lại cột sống trẻ chỉ còn biện pháp phẫu thuật.

Để phòng gù, vẹo ở học sinh, các bác sĩ đều cho rằng thầy cô giáo, phụ huynh học sinh cần quan tâm hơn tới tư thế ngồi của trẻ. Khi trẻ ngồi học ở nhà hay ở trường đều tránh kiểu ngồi chồm lên trước gây mất phân bố lực những tư thế này phải tránh. Trẻ học trên lớp hay ở nhà đều cố gắng duy trì đúng tư thế.

Ngoài ra, cân nặng balo của học sinh cố gắng càng nhẹ càng tốt. Balo của trẻ không nên quá nặng, tối đa chỉ nên 5kg. Trẻ không nên cầm cặp 1 bên mà mang balo giữ lưng, có trợ lực để giữ vững cột sống. 

Ở lớp, trẻ cũng nên nghỉ giữa giờ để thay đổi tư thế, giờ ra chơi thầy cô khuyến khích trẻ hoạt động tối đa, có thể cho trẻ tập các bài tập cho trẻ để hệ cơ xương khớp được phát triển. Chế độ dinh dưỡng của trẻ cần bổ sung thêm canxi, protein. Học sinh tiểu học, trung học cơ sở cần duy trì uống sữa, các chế phẩm của sữa mỗi ngày. 

Khám và phát hiện sớm gù vẹo cột sống không dễ, khi nhìn được mắt thường đã không còn sớm. Cha mẹ, thầy cô quan sát thật kỹ phát hiện bất thường ở cột sống của trẻ. Ví dụ, trẻ đứng thẳng hai vai phải bằng nhau, hai tay thả phải bằng nhau, eo của trẻ phải cân đối nếu lệch cũng là biểu hiện lệch cột sống.

Phương Thúy, Thúy Nga, Lê Thị Hạnh