Ngày 21/11, liên quan đến vụ việc hàng trăm học sinh trường Ischool Nha Trang (Khánh Hòa) nghi bị ngộ độc thực phẩm trong đó có 1 ca tử vong, BS Nguyễn Văn Hoà, Giám đốc Bệnh viện 22-12 (nơi tiếp nhận hơn 200 em) cho biết có khả năng do nhiễm khuẩn Salmonella

Giám đốc Bệnh viện 22-12 kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhi. Ảnh: BVCC

Tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các đơn vị chuyên môn lấy mẫu, niêm phong toàn bộ mẫu thức ăn lưu tại bếp ăn trường Ischool, gửi về Viện Pasteur Nha Trang để xét nghiệm tìm nguyên nhân. Dự kiến, ngày 23/11 sẽ có kết quả.

Khuẩn Salmonella - nguyên nhân thường gặp gây nhiễm độc thức ăn

PGS.TS Trịnh Thị Xuân Hoà - nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Truyền nhiễm (Học viện Quân y 103) cho biết Salmonella là loại khuẩn gặp nhất trong các nguyên nhân gây nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn. Bệnh gặp khắp nơi trên thế giới, nhất là các n­ước nhiệt đới.

Theo báo cáo hàng năm của Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu (EFSA) và Trung tâm Phòng chống dịch bệnh châu Âu (ECDC), gần 1/3 số vụ ngộ độc thực phẩm tại châu Âu trong năm 2018 do Salmonella gây ra.

Tại Việt Nam, không ít vụ ngộ độc thực phẩm tập thể là do khuẩn Salmonella. Điển hình năm 2018, khoảng 200 em học sinh mầm non ở Đông Anh (Hà Nội) phải nhập viện hay năm 2019, hơn 50 người dân ở Hà Tĩnh bị ngộ độc sau khi ăn đám giỗ cũng do ăn phải thức ăn nhiễm khuẩn này.

Khuẩn Salmonella có sức đề kháng rất cao, khả năng tồn tại trong môi trường bên ngoài tốt, trong môi trường nước hay phân từ 2 - 3 tuần; trong nước đá từ 2 - 3 tháng. Salmonella sống đư­ợc cả ở trong thực phẩm có nồng độ muối, đường cao.

Khuẩn này bị huỷ trong vòng 1 giờ ở nhiệt độ 50 độ C hoặc trong vòng 5 phút ở nhiệt độ 100 độ C. Chất sát khuẩn thông thường có thể tiêu diệt khuẩn Salmonella.

Về đư­ờng lây, khuẩn này có thể lây bằng đường tiêu hóa, khi ăn các thức ăn có nguồn gốc động vật nhiễm Salmonella như­: Thịt (đặc biệt thịt tái, sống), sữa, trứng (gà, vịt), trai, sò, hến nấu chưa chín…; hoặc khi dùng rau sống, hoa quả, nu­ớc uống bị nhiễm Salmonella.

Theo Bộ Y tế, khoảng 2-20% người bệnh vẫn có thể thải vi khuẩn ra môi trường từ 2-3 tháng sau khi hết các triệu chứng.

Triệu chứng nhiễm khuẩn Salmonella

Theo PGS Hoà, Salmonella có nhiều chủng, phổ biến nhất trong các chủng gây bệnh cho ngư­ời là Salmonella typhi (gây bệnh thương hàn) và Salmonella enteritidis. 

Bệnh thương hàn do khuẩn Salmonella typhi gây ra, khởi phát đột ngột với triệu chứng sốt cao kéo dài, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, mạch chậm, táo bón hoặc tiêu chảy và ho khan. Cũng có trường hợp nhẹ hoặc không triệu chứng.

Người nhiễm khuẩn nhẹ thì từ 3- 5 ngày là khỏi bệnh, hầu hết hồi phục mà không cần điều trị, một số trường hợp được chỉ định sử dụng kháng sinh. Nhiễm khuẩn nặng có thể biến chứng xuất huyết tiêu hóa (khoảng 15% ca), thủng ruột (1-3%), nặng hơn nữa là bị viêm cơ tim, trụy tim mạch, viêm túi mật, viêm gan, viêm não màng não, viêm cầu thận, viêm đài bể thận...

Khi bị ngộ độc, người bệnh cần được bù nước bằng điện giải, uống oresol, không nên uống thuốc cầm nôn hay cầm tiêu chảy do đây là phản xạ của cơ thể để đào thải chất độc. Khi không thể bù nước bằng đường uống, bệnh nhân phải đi viện để truyền dịch, can thiệp thuốc.

Ai dễ nhiễm khuẩn?

PGS Hoà cho hay tất cả mọi lứa tuổi đều có thể bị bệnh, hay gặp ở trẻ nhỏ, ngư­ời già có sức đề kháng yếu.

- Những người không có axid dạ dày do cắt dạ dày hoặc dạ dày thiểu toan thường dễ mắc bệnh.

- Những ngư­ời bị suy giảm miễn dịch (do bẩm sinh hoặc do những bệnh ở đường tiêu hóa nh­ư ung thư­, viêm đại trực tràng xuất huyết, xơ gan… ) dễ mắc các thể nặng như­: Nhiễm khuẩn huyết, ổ mủ ở các phủ tạng…

Để đề phòng nhiễm khuẩn Salmonella, cần đảm bảo tuyệt đối về an toàn thực phẩm như ăn chín, uống sôi, vệ sinh tay trước và sau khi chế biến thực phẩm. Để ngăn ngừa sự lây lan của vi khuẩn, nên để thịt sống, trái cây chưa rửa sạch cách xa các thực phẩm đã nấu chín.