Theo PGS Nguyễn Hoài Nam, nguyên trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đại học Y Dược cơ sở 2, TP.HCM, trong quá trình khám lâm sàng ông đã từng tiếp nhận các trường hợp trẻ em bị tăng huyết áp. Đa số các trường hợp này đi khám bệnh và phát hiện tăng huyết áp ngẫu nhiên. So với tăng huyết áp ở người lớn, bệnh này ở trẻ em nguy hiểm hơn nhiều vì đa phần không có dấu hiệu, triệu chứng, khó nhận biết hơn người lớn.
Nguyên nhân tăng huyết áp ở trẻ em do yếu tố nội sinh như di truyền từ cha mẹ, trẻ bị bệnh lý ở thận, dị dạng mạch máu, hẹp eo động mạch thận, một số bệnh lý khác kèm theo.
Yếu tố ngoại sinh chiếm đa số hiện nay đó là tình trạng thừa cân, béo phì kèm theo các bệnh lý rối loạn chuyển hóa. Bác sĩ Nam cho biết, giống người lớn, nhiều bệnh nhân ở lứa tuổi học sinh đã mang đủ các bệnh chuyển hóa, rối loạn mỡ máu, tim mạch. Những bệnh lý này chủ yếu đến từ lối sống, dinh dưỡng bất hợp lý, lười vận động, ngồi nhiều, áp lực học hành.
Nhiều người cho rằng áp lực chỉ gây ra bệnh lý ở người lớn nhưng với học sinh căng thẳng, stress cũng gây ra các bệnh tương tự như tăng huyết áp, bệnh tiêu hóa, rối loạn tâm thần.
Học sinh bị tăng huyết áp có thể gây ra nhiều biến chứng như tim đập nhanh hơn, đau tức ngực, khó thở, thậm chí những trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến suy tim, gây biến chứng não và mắt, gây phù phổi cấp, suy thận cấp.
Khi đo huyết áp cho trẻ, cha mẹ nên lưu ý ở những thời điểm khác nhau, huyết áp có đổi nhất định. Khi trẻ vui, trẻ phấn khích hoặc lo lắng huyết áp cũng có thể thay đổi.
Chỉ số huyết áp của trẻ từ 6-13 tuổi là 85/55 mmHg, mức huyết áp cao nhất có thể đạt 120/80 mmHg. Từ 13-15 trung bình 95/60 mmHg, chỉ số huyết áp cao nhất là 104/70 mmHg. Từ 15-18 tuổi là 117/77 mmHg và mức giá trị tối đa là 120/81 mmHg.
Để phòng tăng huyết áp ở lứa tuổi học sinh, bác sĩ Nam cho biết gia đình cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp. Ngoài ra, công tác giáo dục sức khỏe học đường cần đẩy mạnh hơn nữa. Trẻ em cần được giáo dục sức khỏe về dinh dưỡng, thực phẩm tốt, thực phẩm không tốt cho sức khỏe, phòng ngừa bệnh không lây nhiễm như thế nào. Ví dụ, nhà trường nên tổ chức các buổi trò chuyện về dinh dưỡng an toàn, phòng ngừa béo phì, cách xử lý các tình huống stress, căng thắng, cân bằng cảm xúc.
Cần đưa giáo dục phòng ngừa bệnh không lây nhiễm cho học sinh giống các buổi trò chuyện về giáo dục giới tính. Tại các cơ sở giáo dục, nên mở rộng thêm nhiều thời gian để trẻ được vận động thể lực thường xuyên để tăng cường độ dẻo dai, sức đề kháng.
Hiện nay, nhiều học sinh có thói quen ăn đồ ăn chế biến sẵn như bánh mì, khoai tây chiên, nước ngọt, gà rán… những thức ăn này giàu năng lượng, chứa nhiều muối khiến áp lực lên mạch máu ngày càng tăng và vô tình đẩy huyết áp của trẻ lên cao.
Vì vậy, bác sĩ Nam cho rằng ở góc độ gia đình phụ huynh nên hạn chế lựa chọn những thực phẩm này cho con. Trẻ cần được duy trì cân nặng hợp lý, ổn định huyết áp. Với trẻ có tiền sử thừa cân - béo phì cần được khám sàng lọc thường xuyên để phát hiện tăng huyết áp và tìm nguyên nhân, phòng ngừa biến chứng.
Ngày 2/10/2021, Chính phủ đã ban hành quyết định số 1660/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 nhằm bảo đảm chăm sóc toàn diện về thể chất, tinh thần cho trẻ em, học sinh thông qua việc duy trì, đẩy mạnh hoạt động giáo dục, chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và các trường chuyên biệt.