- Trước những bức xúc của phụ huynh về nghịch lý: Bảo hiểm y tế cao hơn học phí, sáng 7/9, VietNamNet đã có cuộc trao đổi với TS Lê Văn Khảm - Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế).
Thưa ông việc BHYT có sự tăng từ 3% đến 4,5% mức tăng này có hợp lý?
Mức phí thu theo Nghị định 105 năm 2014 của Chính phủ. Học sinh sinh viên thuộc đối tượng có điều chỉnh mức thu từ 2015 trở đi, theo đó mức thu bằng 4,5% mức lương cơ sở thay vì 3% như trước đây.
Sự điều chỉnh này đã được bàn thảo kỹ lưỡng dưới các góc nhìn, chiều cạnh khác nhau. Đầu tiên phải nói đến theo Luật Bảo hiểm y tế quyền lợi người tham gia đã mở rộng hơn trước rất nhiều, mức đóng cũng phải tăng lên tương xứng. Thứ ha khi tăng mức đóng chúng ta đã tính đến những nhóm đối tượng có hoàn cảnh khó khăn có bị ảnh hưởng hay không.
Với đối tượng học sinh sinh viên gia đình nghèo ngân sách nhà nước hỗ trợ 100%, cận nghèo hỗ trợ tối thiểu 70% ức đóng, ở địa phương còn hỗ trợ 30% còn lại cho họ. Như vậy, những đối tượng này đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ gần như 100% mức đóng.
Cho nên việc tăng mức đóng không ảnh hưởng nhóm đối tượng này.
Còn những học sinh sinh viên có mức sống trung bình làm nông nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp ngân sách nhà nước cũng hỗ trợ 30%. Còn những gia đình khác phải đóng nhưng cũng có giảm trừ cho gia đình có cùng nhiều người tham gia.
Như vậy chúng ta đã tính toán mặt tác động tới kinh tế của hộ gia đình khi tham gia BHYT cho học sinh sinh viên. Thứ nữa, các em còn được quyền lợi khác là được sử dụng một phần quỹ BHYT để tổ chức chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các nhà trường.
Mức đóng này phù hợp với điều kiện sống, nhu cầu khám chữa bệnh, phù hợp với mở rộng quyền lợi khám chữa bệnh so với trước đây. Thứ tư là thể hiện tính đồng nhất cao giữa các đối tượng tham gia BHYT.
Trước khi quy định này được ban hành, phía Bộ Y tế đã có tham khảo ý kiến người dân về mức thu này?
Mức đóng được quy định bởi Nghị định của Chính phủ và Chính phủ giao Bộ Y tế soạn thảo để trình Chính phủ soạn thảo, ban hành. Khi soạn thảo Nghị định đã có sự tham gia rất rộng rãi, có trách nhiệm của các bộ ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ LĐTBXH, Bộ GD-ĐT, Bảo hiểm xã hội. Khi trình Chính phủ, Chính phủ đã có ý kiến hỏi bằng văn bản các thành viên nên mới có sự thống nhất như vậy.
Theo quy định về ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong trường hợp này Bộ Y tế đã có tổ chức các hội thảo rộng rãi ở nhiều khu vực với sự tham gia của nhiều ngành, đoàn thể để cùng thống nhất các quy định, trong đó có mức đóng.
Khi văn bản ban hành, chúng tôi cũng tổ chức các hội nghị toàn quốc, cấp khu vực và hội nghị triển khai và các thông tin này đã được thực thi, triển khai từ cuối năm 2014 đến đầu năm 2015 và tới tận bây giờ.
Tại sao năm nay lại tăng thời gian đóng BHYT lên 15 tháng thưa ông?
Nói chính xác từ trước nay các thu đóng học sinh sinh viên theo năm học. Nhưng theo quy định mới của pháp luật về BHYT việc thu đóng sẽ tính theo năm tài chính, tức từ 1/1 đến 31/12 của năm đó. Năm đầu này triển khai có sự giao thời thành ra sẽ thu BHYT cho hết năm nay sau đó thu tiếp năm tiếp theo. Quy định này có liên quan mật thiết với áp dụng chính sách khác với nhóm có điều kiện kinh tế khó khăn, ưu đãi trong xã hội ví dụ như người nghèo, cận nghèo các dòng ngân sách hỗ trợ cho họ đều tính từ đầu năm cho đến hết năm đó. Năm nay có sự giao thời nên sẽ gối 3 tháng của năm 2015 đến 12 tháng của năm sau.
Thách thức đặt ra là tổng thời gian phải đóng tới 15 tháng. Chúng tôi cũng ý thức được thời gian đóng dài như vậy sẽ có ảnh hưởng khả năng một số gia đình. Tuy nhiên hoàn toàn có thể phân kỳ đóng BHYT, theo luật có thể đóng 3, 6 tháng hoặc 1 năm. Với học sinh sinh viên chúng tôi cũng có kiến nghị và hướng dẫn thu đến hết 31/12/2015 sau đó sẽ thu tiếp năm sau với 6 tháng hoặc cả năm tùy sự phối hợp của gia đình, nhà trường và bảo hiểm. Không nhất thiết phải đóng đủ cùng lúc 15 tháng, có thể giãn thời gian để bớt gánh nặng đóng các khoản phí đầu năm với phụ huynh.
Phụ huynh bức xúc khi cho rằng mức thu này cao. Ý kiến của Bộ?
Chúng ta nói cao hay thấp phải phân tích khía cạnh quyền lợi khi tham gia đảm bảo như thế nào. Thu cao phạm vi quyền lợi chắc chắn lớn hơn, chất lượng dịch vụ sẽ tốt hơn, đã được tính toán cân đối khả năng đáp ứng của hộ gia đình.
Luật cho phép chúng ta điều chỉnh mức thu tới 6% mức lương cơ sở với nhóm học sinh sinh viên. Nhưng trước mắt chỉ thu tới 4,5% vì cân đối điều kiện kinh tế xã hội.
Nhiều phụ huynh băn khoăn khi điều chỉnh mức đóng quyền lợi của học sinh có được điều chỉnh theo hay không, chất lượng dịch vụ có thay đổi không. Cái này đã thể hiện rất rõ trong văn bản luật, nhiều nội dung dịch vụ khám chữa bệnh trước Bảo hiểm không chi trả được vì điều kiện tài chính của quỹ giờ đã mở rộng ra. Học sinh sinh viên sẽ có quỹ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Việc đóng BHYT cũng là cách để người dân, học sinh chia sẻ với bạn bè cùng trang lứa, người bệnh khác khi họ phải sử dụng tới dịch vụ của BHYT.
Có người nói con tôi đóng bao nhiêu năm đóng BHYT nhưng mấy khi dùng. Tôi nghĩ đó điều rất là hạnh phúc, may mắn. Chúng ta không ai muốn sử dụng dịch vụ y tế trừ khi có nhu cầu. Còn chúng ta không dùng tức là chúng ta làm việc thiện, đang chia sẻ trách nhiệm với xã hội, cộng đồng. Ý nghĩa đó nên được mọi người thấu hiểu và có thay đổi nhận thức.
Xin cảm ơn ông!
- Văn Chung (thực hiện)