Kính thưa quý vị và các bạn!
Chỉ trong khoảng thời gian không dài, liên tiếp nhưng vụ việc như thầy giáo sờ soạng học sinh ở Bắc Giang; thầy giáo tán tỉnh nữ sinh ở Thái Bình, nhóm nam sinh hiếp nữ sinh ở Quảng Trị; 5 nữ sinh lột đồ, đánh đập một bạn cùng lớp ở Hưng Yên...đã xảy ra. Chưa kể vụ việc cô giáo ở Bình Thuận ít nhất là có kết luận "có tình cảm trên mức bình thường với học trò..." rồi việc điều tra gian lận thi cử tại một số tỉnh đang đi đến hồi kết .. vv...khiến nhiều người lo ngại về môi trường giáo dục.
Sự lo ngại đó rõ ràng là hợp lý và gợi ra nhiều điều đáng suy nghĩ.
Chắc hẳn, cơ quan quản lý giáo dục các cấp, các địa phương, nhà trường, gia đình... không ai mong muốn điều này nhưng những chuyện như trên vẫn xảy ra và có thể đó mới chỉ là tảng băng nổi.
Chúng ta nên nhìn nhận hiện tượng trên thế nào và có thể làm gì để hạn chế tối đa những sự việc trên là vấn đề chúng tôi muốn tìm một góc nhìn từ bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Mời quý vị và các bạn xem video cuộc trao đổi về bạo lực học đường với bà Ngô Thị Minh:
MC Lê Như Quỳnh: Thưa bà, đứng từ góc độ một phụ huynh, bà có những suy nghĩ gì về những sự việc như trên?
Bà Ngô Thị Minh: Đứng ở góc độ phụ huynh, chúng tôi rất lo lắng và mong muốn các cơ quan chức năng phải vào cuộc nhanh chóng, phải có thái độ, có quan điểm và phương pháp ngăn chặn kịp thời, tạo môi trường giáo dục thực sự lành mạnh, lấy lại lòng tin của nhân dân.
MC Lê Như Quỳnh: Còn với tư cách một người có nhiều khóa liên tiếp làm đại biểu Quốc hội, từng trực tiếp tham gia hoặc chứng kiến những mong mỏi của người dân về môi trường giáo dục trong lành như nó phải có cũng như những việc làm của cơ quan quản lý giáo dục, các địa phương thì cảm xúc của bà ra sao khi thấy những chuyện đáng tiếc như vậy xảy ra liên tiếp gần đây?
Bà Ngô Thị Minh: Chúng ta thấy rõ ràng môi trường giáo dục đang có vấn đề. Có nhiều nguyên nhân của hiện trạng này và phải tìm ra nguyên nhân mấu chốt để có được giải pháp phù hợp mới hy vọng đem lại những kết quả.
Chẳng hạn, chúng ta hay nói, giáo dục phổ thông chưa coi trọng việc giáo dục đạo đức mà nặng về truyền thụ kiến thức nhưng phụ cấp ưu đãi nghề cho giáo viên chủ nhiệm vẫn chỉ ở mức 4 tiết một tuần là rất hạn chế dù luật đã quy định và Bộ Giáo dục- Đào tạo cũng đã nhận trách nhiệm về việc này. Hiện nay phụ cấp ưu đãi nghề vẫn nghiêng về giáo viên đứng lớp, chưa thỏa đáng với giáo viên chủ nhiệm.
Rõ ràng chúng ta phải quan tâm hơn đến giáo viên chủ nhiệm vì họ rất vất vả. Nếu làm giáo viên chủ nhiệm theo đúng nghĩa thì họ phải biết được diễn biến tâm tư, tình cảm của các em học sinh và các em đang cần gì ở người thầy, đặc biệt là khi các em có những vướng mắc cần được tháo gỡ...
Một vấn đề nữa là muốn có môi trường giáo dục tốt thì không thể không quan tâm đến việc xây dựng hình ảnh người thầy. Không chỉ đứng trên bục giảng người thầy mới phải có hình ảnh đẹp. Khi người thầy ngoài xã hội có những hành vi khác với hình ảnh đẹp ở trường lớp cũng khiến các em bị sụp đổ. Vậy thì cơ quan quản lý phải có quy định những tiêu chuẩn về nghề nghiệp, rồi bộ quy tắc ứng xử về đạo đức...để xây dựng người thầy chuẩn về nghề nghiệp, ứng xử đạo đức, không thể để thầy giáo có những hành vi ứng xử với các em thiếu chuẩn mực như sờ soạng các em hay ứng xử vượt quá ngưỡng quan hệ thầy trò...những việc làm này khiến các em rất mất lòng tin.
Có nhiều câu chuyện xảy ra khiến học sinh mất lòng tin, bà Ngô Thị Minh cho rằng đó cũng là nguyên nhân của bạo lực học đường. |
MC Lê Như Quỳnh: Thưa bà, chắc hẳn, cơ quan quản lý giáo dục các cấp, các địa phương, nhà trường không ai mong muốn điều này nhưng những chuyện như trên vẫn xảy ra và có thể đó mới chỉ là tảng băng nổi, vậy chúng ta cần nhìn nhận thực trạng này thế nào?
Bà Ngô Thị Minh: Như tôi nói, môi trường giáo dục đã và đang xảy ra là do các hợp phần hay mỗi tế bào trong môi trường ấy đều có vấn đề vì đầu tiên là nó chưa đạt chuẩn theo quy định hiện hành. Ví dụ chúng ta quy định về trường đạt chuẩn quốc gia, quy định về số học sinh trong một lớp hay số mét vuông trên một học sinh...hoặc như quỹ đất cho giáo dục, ngân sách cho giáo dục dù rất được quan tâm nhưng sự đầu tư vẫn chưa đồng bộ...Nên xảy ra những chuyện đáng tiếc đó vừa có trách nhiệm của Nhà nước, vừa có trách nhiệm của cơ quan quản lý giáo dục, của nhà trường, của thầy cô và của gia đình học sinh. Các nhân tố này phải được đầu tư, vực lên một cách đồng bộ thì môi trường giáo dục mới cải thiện như chúng ta mong muốn.
MC Lê Như Quỳnh: Môi trường giáo dục là tổng hòa quan hệ của ba thành tố gia đình, nhà trường và xã hội, theo bà, vai trò và trách nhiệm của ba thành tố này thời gian qua có những điểm gì đáng quan ngại khi xảy ra những câu chuyện nhức nhối đã nêu?
Bà Ngô Thị Minh: Môi trường giáo dục là vấn đề được chúng ta quan tâm, thời gian qua mặt trái của kinh tế thị trường tác động vào môi trường giáo dục là không nhỏ. Điều đó, đòi hỏi một sự quan tâm thỏa đáng hơn.
Giáo dục trong nhà trường đương nhiên là quan trọng nhưng giáo dục ngoài nhà trường cũng quan trọng không kém nhưng thời gian qua sự quan tâm đến giáo dục ngoài nhà trường chưa đồng bộ, chưa thỏa đáng. Học sinh ngoài học tập ở trường, còn sống ở gia đình và có những mối quan hệ trong xã hội. Giáo dục ngoài nhà trường đề cao vai trò của các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội và trách nhiệm của gia đình. Gia đình không thể phó thác toàn bộ việc giáo dục cho nhà trường, hình ảnh của người cha, người mẹ cũng tác động rất lớn đến các em
MC Lê Như Quỳnh: Giáo viên có những hành vi phản cảm với học trò, nam sinh hiếp nữ sinh, nữ sinh lột đồ đánh bạn, rồi cán bộ có chức năng gian lận, nâng điểm cho thí sinh...đều là những chuyện không mới, nó đã từng xảy ra, có điều mức độ ngày càng nặng, nếu nhìn nhận về vai trò cũng như trách nhiệm của cơ quan quản ý giáo dục các cấp, bà thấy họ đã làm gì mà chưa đạt được hiệu quả trong thực tiễn hay họ có thể làm gì nhưng chưa làm...dẫn đến thực trạng chúng ta đang phải chứng kiến?
Bà Ngô Thị Minh: Tôi thấy có sự lệch chuẩn của giáo viên, của cán bộ quản lý giáo dục và cả những người có cương vị cao hơn. Tôi muốn nói rõ những việc này ảnh hưởng lớn đến thế hệ trẻ, trong đó có học sinh.
Thầy cô lệch chuẩn có những ứng xử không phù hợp sẽ khiến học sinh sụp đổ vì thường thì các em coi người thầy như hình mẫu, thầy cô không thể dùng quyền hạn của mình để có những ứng xử lệch chuẩn. Thời gian qua, có những thầy cô tuy có thể không nhiều, đã có những hành vi lệch chuẩn, những chuyện này được cộng đồng mạng lan truyền đã gây ảnh hưởng lớn. Thế nên bộ quay tắc ứng xử của thầy cô phải được Bộ Giáo dục- Đào tạo nhanh chóng ban hành.
Thứ đến, các nhà quản lý giáo dục phải thoát khỏi những cám dỗ về vật chất. Nếu học sinh muốn chuyển trường, chuyển lớp, chọn cô chọn thầy là nhu cầu có thật nhưng những tiêu chuẩn về số học sinh trong một lớp chẳng hạn thì phải tuân thủ, chứ không thể để lớp quá đông, lớp khác lại ít học sinh học...
Vấn đề nữa là tính nêu gương, cán bộ càng cao thì càng phải nêu gương. Đã có nghị quyết của Đảng về vấn đề này. Ở mỗi cơ quan, thủ trưởng phải làm gương, những người phụ trách phải làm gương, ở lớp thì cô giáo phải làm gương.
Việc gian lận trong thi cử vừa rồi phải nó là rất mất công bằng. Khi chúng ta bị lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm chi phối...dẫn đến việc làm sai lệch kết quả dẫn đến cái mất rất lớn là mất lòng tin của xã hội, của học sinh. Tôi nghĩ việc mất lòng tin là cái mất rất lớn.
Đại biểu Quốc hội Ngô Thị Minh nhìn nhận, sự nêu gương có vai trò quan trọng trong việc cải thiện môi trường giáo dục. |
MC Lê Như Quỳnh: Theo suy nghĩ của bà, chúng ta có thể làm ngay những việc gì để ít nhất là gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự xuống cấp của môi trường giáo dục và hạn chế được ít nhất những chuyện tương tự?
Bà Ngô Thị Minh: Có rất nhiều việc phải làm. Đầu tiên là sửa đổi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và việc thực thi, những vấn đề tôi đã nêu trên. Những việc nên làm ngay là đối với những em học sinh bị hại, chẳng hạn như nữ sinh ở Hưng Yên, thì 5 gia đình cùng 5 em học sinh hành hung bạn ngoài việc ăn năn, hối cải phải có sự gặp gỡ, trao đổi cởi mở để em bị hành hung không còn thấy sợ hãi, thấy mình được tôn trọng. Đối với những người giáo viên đã gây ra những việc đáng tiếc nêu trên, ngoài việc xử lý theo quy định cũng cần phải đặt mình vào vị trí của các em bị xâm hại để có các hình thức xử lý phù hợp và cần được công khai trên các phương tiện truyền thông. Còn việc tiêu cực thi cử gian lận đã gây những ảnh hưởng tiêu cực lớn, cần phải được quan tâm xử lý càng sớm càng tốt, công khai việc xử lý để lấy lại lòng tin của người dân, của các em học sinh... đây là những việc cần làm ngay.
MC Lê Như Quỳnh: Xin được cảm ơn bà Ngô Thị Minh về cuộc trao đổi chân thành. Kính chào quý vị và các bạn, hẹn gặp lại ở những chương trình tiếp theo.
Góc nhìn thẳng (thực hiện)