Trong bài viết được công bố gần đây, New York Times không đặt nghi vấn về những tuyên bố của Ukraine xoay quanh việc các đơn vị phòng không nước này bắn hạ phần lớn UAV được Nga sử dụng để tập kích. Thay vào đó, bài viết này nêu vấn đề kho tên lửa phòng không của Ukraine đang dần cạn kiệt. 

“Liệu Ukraine có thể duy trì nỗ lực phòng không trong bao lâu, khi nhiều biện pháp phòng thủ của họ có chi phí đắt đỏ hơn nhiều so với những chiếc UAV. Thay vì cố gắng bắn hạ những UAV đang bay đến bằng những khẩu pháo phòng không hoặc vũ khí cầm tay, các đơn vị phòng không Ukraine lại dựa vào những tên lửa phóng từ máy bay hoặc từ các hệ thống trên mặt đất vốn có giá thành rất đắt đỏ”, một đoạn trong bài viết nêu rõ. 

Một chiếc UAV được Nga sử dụng để tập kích Kiev, Ukraine hồi tháng 10/2022. Ảnh: Reuters 

New York Times dẫn nhận định từ Giám đốc công ty tư vấn Molfar của Ukraine, ông Artem Starosiek cho rằng chi phí để bắn hạ một chiếc UAV cao gấp 7 lần giá thành của loại khí tài đó.

“Chẳng hạn, những UAV được Nga sử dụng có giá rơi vào khoảng 20.000 USD/chiếc, trong khi các tên lửa đất đối không trong kho vũ khí của Ukraine có giá thành lần lượt là 140.000 USD/quả tên lửa thuộc hệ thống phòng không S-300 và 500.000 USD đối với một quả đạn thuộc hệ thống phòng không NASAMS do Mỹ cung cấp”, ông Starosiek nói.

“Tất nhiên, tôi vẫn ủng hộ chiến lược phòng không được chính quyền Kiev đề ra, bởi việc bắn hạ một UAV có chi phí ít hơn nhiều so với sửa chữa một nhà máy điện bị hư hại”, ông Starosiek nói thêm. 

Kiev nói Washington chuẩn bị chuyển giao hệ thống Patriot

Theo Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba, quá trình chuẩn bị xoay quanh việc Mỹ chuyển giao tổ hợp phòng không Patriot cho nước này “đã được thực hiện”.

“Chúng tôi đang mong chờ việc triển khai hệ thống Patriot càng sớm càng tốt. Những chuẩn bị cho việc chuyển giao các hệ thống trên đã bắt đầu được thực hiện. Ở thời điểm hiện tại, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và toàn bộ đội ngũ ngoại giao đang tích cực nghiên cứu những giải pháp cho nguồn cung ứng nhiều loại khí tài mới của phương Tây”, hãng tin CNN dẫn bài đăng trên Facebook của ông Kuleba, viết.

“Trước tiên, chúng tôi đang nói về việc các quốc gia phương Tây có thể cung cấp xe tăng và nhiều loại xe thiết giáp khác. Tôi không nghi ngờ về khả năng quân đội Ukraine sẽ sớm được bổ sung thêm các xe thiết giáp và hỏa lực”, ông Kuleba viết thêm.

Theo CNN, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 21/12 đã chính thức công bố sẽ gửi gói hỗ trợ bổ sung trị giá 1,8 tỷ USD cho Ukraine, gồm cả hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot.

Tuy nhiên, một quan chức thuộc lực lượng vũ trang Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DPR) ngày 24/12 nhận định, những hệ thống phòng không Patriot được Mỹ tuyên bố sẽ gửi cho Ukraine không phải vấn đề khó khăn với họ.

“Hai phiên bản đầu tiên của Patriot, tức PAC-1 và PAC-2, đã được chứng minh là những hệ thống cực kém hiệu quả ở Iraq, nhất là khi đánh chặn những loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn lạc hậu hơn. Trong khi đó tổ hợp phòng không hiện đại nhất của Patriot là PAC-3, phiên bản được trang bị radar AN/MPQ-65 có khả năng phát hiện những mục tiêu bay có kích cỡ nhỏ và tầm bay thấp ở khoảng cách 70km, lại chưa được chứng kiến từng tham gia thực chiến”, vị quan chức giấu tên cho hay.

Theo người này, hệ thống phòng không Patriot “chỉ có thể gây ra những rắc rối nếu Mỹ gửi cho Ukraine phiên bản tiên tiến nhất tức PAC-3, còn trong trường hợp này thì vấn đề Patriot có thể giải quyết được”.