Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, nhằm thực hiện tham vọng thiết lập một chính quyền thuộc địa uy quyền và ổn định cho khu vực, người Pháp đã quyết định biến Hà Nội dần trở thành thủ đô của liên bang Đông Dương, thu hút giới tư bản Pháp tới đây sinh sống và làm ăn; Ngoài việc xây dựng mới các trụ sở công quyền, nhiều không gian đô thị khác như các khách sạn, rạp phim, nhà hát, trường học… dần xuất hiện và hoàn thiện thành một TP Châu Âu thu nhỏ. Năm 1921, Hà Nội có tới gần 4.000 dân châu Âu và 100.000 dân bản địa.
Qua nhiều đồ án quy hoạch quan trọng được phê duyệt, Khu phố Pháp tại Hà Nội đã được hình thành và phát triển, có cấu trúc mạng ô cờ khá hoàn chỉnh. Các trục đường Đông – Tây được nhấn mạnh hơn với đường rộng, vỉa hè lớn, có các công trình đầu mối (Nhà hát Lớn, Ga, ĐH Tổng hợp, Ngân hàng Nhà nước,…) làm điểm nhấn. Các trục Bắc – Nam có vai trò kết nối không gian từ khu phố cổ qua hồ Hoàn Kiếm, hồ Thiền Quang đến các khu phố mới ở phía Nam.
Dù đã trải qua vài chục năm nhưng những công trình kiến trúc mà Pháp để lại vẫn rất kiên cố và vẻ đẹp của riêng mình ở Sa Pa, Hà Nội, Hải Phòng, Huế, TP. Hồ Chí Minh, Đà Lạt,....
Kiến trúc Việt đã được khai thác sử dụng, tạo nên phong cách Đông Dương phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu Việt Nam.
Một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu của phong cách Indochine tại Việt Nam là Khách sạn Sofitel Legend Metropole. Thời báo phố Wall từng đánh giá, Metropole là công trình đầu tiên ở Đông Dương được xây dựng nhằm phản ánh “hình ảnh chuyển động” của một Hà Nội năng động và rực rỡ.
Theo KTS Đồng Mạnh Bình, người có nhiều năm nghiên cứu về kiến trúc đương đại cho biết, “lối kiến trúc của Pháp đã được ‘đồng hóa’ bởi phong cách kiến trúc Việt, tạo nên phong cách Indochine đậm chất phương Tây và hợp thời với bối cảnh Việt Nam”.
Tuy nhiên, KTS. Đồng Mạnh Bình nhìn nhận, Indochine đang hiện diện một cách riêng lẻ trong các công trình kiến trúc, thiết kế nội thất chứ chưa tạo thành một công trình mang tính tổng thể chuẩn mực. Bên cạnh đó, khi đời sống người dân thay đổi, các thói quen sinh hoạt cũng khác trước kia, kiến trúc Indochine cũng cần được biến tấu để phù hợp trong bối cảnh mới.
Theo đó, nếu như Indochine nhiều thập niên trước chỉ tập trung khắc họa vẻ đẹp cổ điển, hoài niệm, thì ở thời nay, phong cách này đã được biến tấu đa dạng, tiện nghi hơn để phù hợp cho các thành viên trong gia đình. Indochine có lợi thế bởi đây là phong cách kết hợp của hai thời đại - xưa và nay, hai tư tưởng cổ điển và hiện đại, và hai nền văn hóa: phương Tây và phương Đông.
“Phong cách Indochine còn tạo nên cầu nối giữa những thế hệ của gia đình. Những thế hệ vốn lớn lên trong nền văn hóa khác biệt, cùng thấu hiểu và kết nối với nhau qua niềm tự hào bản sắc. Indochine giúp họ gắn kết lại trong một không gian sống chung”, KTS Bình nhận định.
Hiện có rất nhiều công trình kiến trúc thời Pháp thuộc mặc dù chưa được công nhận là di sản nên chưa được bảo vệ theo Luật Di sản nhưng có giá trị kiến trúc đặc biệt nên vẫn cần các quy chế bảo vệ, phát huy.
Theo TS.KTS Trương Ngọc Lân - Phó Trưởng khoa Khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Đại học Xây dựng), để gìn giữ các công trình theo lối kiến trúc Pháp cổ, đồng thời tiếp tục phát triển, khai thác hiệu quả kinh tế - xã hội từ những công trình ấy, chúng ta nên học tập theo mô hình “bảo tồn thích ứng”.
Ví như công trình cầu Long Biên đã từng có quan điểm phá bỏ cây cầu, xây cầu mới phù hợp với nhu cầu hiện đại hóa của các công trình giao thông. Thế nhưng, khi Bộ GTVT dự kiến đưa ra để chỉ đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam nghiên cứu đưa ra phương án về vị trí cầu đường sắt sông Hồng, cũng như các giải pháp cải tạo cầu Long Biên đã gặp phải phản ứng dữ hội của giới kiến trúc và di sản cũng như người dân. Theo các chuyên gia, ngành giao thông đang ứng xử với cầu Long Biên như một công trình giao thông mà chưa nhìn nhận nó ở góc độ di sản.
Sau rất nhiều ý kiến bảo vệ, Hà Nội đã đi đến quyết định nghiên cứu khôi phục công trình có giá trị lịch sử đặc biệt - cầu Long Biên. Lúc này, cầu Long Biên trở thành cầu dân dụng của khu dân cư trung tâm Hoàn Kiếm - Gia Lâm chứ không phải cầu vận tải, nghĩa là tìm cách giảm áp lực giao thông lên công trình hơn 100 tuổi để giữ lại nguyên vẹn giá trị kiến trúc lịch sử của nó.