Văn hóa làng xã là một nét đặc trưng của vùng nông thôn Đồng bằng Bắc bộ. Theo đánh giá của Nhà nghiên cứu Chu Xuân Diên: “Trong mối quan hệ với tự nhiên, người Việt phụ thuộc vào tự nhiên, nương nhờ tự nhiên hơn là chiếm lĩnh, làm chủ tự nhiên”. Đây là một yếu tố tạo nên làng xã Việt Nam, một sự tổng thể hài hòa giữa môi trường sinh thái nhân văn. Con người là trung tâm, vận dụng kiến thức của mình từ khoa học kỹ thuật, kết hợp với môi trường tự nhiên và văn hóa bản địa để sinh tồn, tạo nên những không gian kiến trúc ở, làm việc và tái sản xuất lao động đạt hiệu quả cao nhất.

W-quannhan-1.png
Đình làng Mọc Quan Nhân, Hà Nội

Theo dòng thời gian, từ thời văn hóa Đông Sơn (700 TCN-100), người dân Việt đã biết thể hiện phong phú những sắc thái không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng một cách sống động nhất.

Sang chế độ phong kiến tự chủ (thế kỷ X-XIX), các công trình kiến trúc sinh hoạt văn hoá cộng đồng chủ yếu là đình, chùa, đền phục vụ tín ngưỡng tôn giáo và kết hợp những “khoảng trống” có “tín hiệu” như gốc đa, giếng nước, cổng, ao, bờ sông… trong làng làm không gian biểu diễn nghệ thuật dân gian. Đặc biệt một hình thức văn hóa mới - trường học - ra đời từ đầu thế kỷ XI với công trình văn hóa “truyền đời” là Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Những phố phường trong vùng nội đô cũng hình thành theo cách thức rất đặc trưng của làng. Hà Nội ngày xưa có 36 phố phường, mỗi phường chính là một làng nghề.

Cuối thế kỷ XIX (1887-1945), người Pháp đã cho xây dựng và phát triển Hà Nội với tham vọng dựng “một Paris thu nhỏ trong lòng Đông Dương”. Văn hóa Việt Nam lại một lần nữa du nhập các luồng tư tưởng văn hóa ngoại sinh. Công trình kiến trúc công cộng vì thế được thiết kế phù hợp với khí hậu nhiệt đới, một số tiêu biểu còn lại tới ngày nay như Phủ Chủ tịch, Nhà hát lớn HN, Nhà thờ lớn, Chợ Đồng Xuân, Bảo tàng Lịch sử, Viện Pasteur, khách sạn Metropole…Các không gian SHVHCĐ mới hình thành để dung nạp được nội dung bên trong là văn hóa đến từ phương Tây: khách sạn, khiêu vũ, nhạc cổ điển với các loại nhạc cụ mới như dương cầm, vĩ cầm, kèn trôm-pét, hát thính phòng, kịch nói…

Giai đoạn 1954-1985, trong công cuộc xây dựng XHCN, nhà nước bao cấp bệnh viện, trường học, thông tin, văn hóa - văn nghệ đều được thiết chế, kinh tế phát triển làm hình thành khuynh hướng “ngói hóa” làng xóm.

Thời kỳ kinh tế thị trường, từ năm 1986 đến nay, các hoạt động văn hóa truyền thống dần được khôi phục. Nền kinh tế phát triển kéo theo các nhu cầu trong cuộc sống hiện đại, du nhập mới nhiều hình thức văn hóa ngoại lai, đã hình thành những hoạt động sinh hoạt cộng đồng có nội dung mới như công trình ủy ban, trường học, nhà văn hóa, thư viện, bưu điện, các hiệp hội, đoàn thể… cùng hàng loạt các loại hình nghệ thuật mới, điện ảnh, internet, trò chơi điện tử, thể thao… dẫn tới nhu cầu cần xây dựng những công trình kiến trúc công cộng phù hợp với các hoạt động sinh hoạt văn hoá cộng đồng mới.

Các công trình công cộng, dân dụng, công nghiệp được xây dựng khắp nơi trên cả nước. Bộ mặt nông thôn - làng xã đã thay đổi rất nhiều, tự phát theo nhiều hướng, chủ yếu mang tính sao chép từ thành thị. Vì vậy, các công trình công cộng được xây dựng cứng nhắc, xa rời những giá trị văn hóa truyền thống quý báu vốn có của làng xã, dẫn tới một tổng thể làng xã “hỗn loạn”, chen lấn, không có chính phụ, không có định hướng.

Vẫn biết xã hội nào cũng trải qua một tiến trình phát triển, có thăng trầm, có nở rộ rồi lại suy tàn và lại phát triển trở lại. Song vấn đề đáng quan tâm ở đây là nội dung và hình thức hoạt động của không gian kiến trúc sinh hoạt văn hoá cộng đồng được thay mới, được bổ sung, được chèn thêm vào giữa những không gian đã có theo phương thức ồ ạt, tự phát, thiếu nghiên cứu và đánh giá về quy hoạch - kiến trúc - cảnh quan,  dẫn tới phá vỡ cấu trúc làng truyền thống, làm mờ nhạt đi giá trị không gian kiến trúc truyền thống của làng. 

Bởi vậy, nhà nghiên cứu Chu Xuân Diên góp bàn về việc cần thực hiện các đồ án nghiên cứu và khảo sát, phân tích kỹ lưỡng các giá trị văn hóa, kiến trúc, cảnh quan, đô thị, đời sống xã hội mới để từ đó đưa ra những đánh giá đúng nhất về tình hình thực trạng của làng xã, đề ra các kịch bản thiết kế sao cho phù hợp với bước tiến của xã hội đương thời, có tính đến các yếu tố di sản, đảm bảo sự phát triển bền vững, không làm mất đi các giá trị truyền thống của ngôi làng đô thị ngày nay. Ý thức đầy đủ về việc bảo tồn và phát triển không chỉ không gian công cộng đơn thuần về nội dung mà còn là các quan hệ xã hội thân thiện mang đầy tính nhân văn trong không gian đó.

Giao Linh và nhóm PV, BTV