Mời quý độc giả theo dõi video:

Huyện Hương Khê nằm ở phía Tây Nam tỉnh Hà tĩnh, diện tích tự nhiên 126.293,8 ha, dân số gần 10 vạn người; có 21 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó 04 xã biên giới, với trên 50 km đường biên giới chung với nước bạn Lào; 04 bản dân tộc thiểu số với 274 hộ dân, 956 nhân khẩu, trong đó có bản Dân tộc Chứt tại xã Hương Liên. 

Dân tộc Chứt ở bản Rào Tre hiện nay có 47 hộ, 156 khẩu, chiếm 6,7% dân số toàn xã.

Còn nhớ, khoảng đầu thập niên 1990, Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh đã phát hiện nhóm người sống trong hang đá trên dãy Trường Sơn. Người Chứt từ bao đời nay chủ yếu sống ở các hang đá trong rừng, tách biệt với thế giới bên ngoài. Đời sống gần như nguyên thủy, họ có đặc tính là không biết trao đổi các sản phẩm. Tính tập thể của họ rất cao, mỗi hang có khoảng 3-4 gia đình sinh sống, họ không muốn tiếp xúc với người lạ nên thường tách biệt với các cộng đồng khác trong vùng. 

Những người Chứt ở thế hệ trước không nhớ được tuổi, không lưu giữ quá khứ hay ký ức về tổ tiên mà chỉ nhớ về rừng núi nơi họ đã từng sinh sống.

Trong môi trường như thế, để duy trì nòi giống, đồng bào dân tộc Chứt có nhiều hủ tục trong hôn nhân. Theo số liệu thống kê của Ủy ban Dân số và Kế hoạch hóa gia đình huyện Hương Khê, từ năm 2010-2015, ở bản Rào Tre có 4 cặp vợ chồng hôn nhân cận huyết. Hậu quả là những đứa trẻ sinh ra bị chết sớm hoặc dị tật bẩm sinh.

Sau khi bộ đội biên phòng đưa nhóm người này về sống tại bản Rào Tre, cái khó không chỉ ở việc giúp họ ổn định cuộc sống, có cái ăn, cái mặc, mà là làm cách nào giúp bà con xóa bỏ hủ tục hôn nhân cận huyết vốn đã ăn sâu vào trong tư tưởng của tộc người này từ bao đời nay.

Sau 32 năm, từ 90 người Chứt không tên, không tuổi, được đưa về từ hang núi, đến nay bản Rào Tre đã có thế hệ thứ ba. Bà con đã biết cách tích lũy tiết kiệm, sản xuất lúa nước, chăn nuôi, trồng rau màu các loại để phục vụ cuộc sống... Về cơ bản họ đã thoát khỏi cuộc sống săn bắn và hái lượm.

Với nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã cải thiện cơ sở hạ tầng và đời sống dân sinh của đồng bào dân tộc Chứt. Về cơ bản, đồng bào đã có nhà kiên cố, 100% hộ gia đình có kinh tế vườn, hộ. Bình quân mỗi hộ có 1-2 ha đất lâm nghiệp để sản xuất, 100% hộ dân được sử dụng nước sạch sinh hoạt. Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống như: điện, đường, trường học, trạm y tế, thủy lợi đều được đáp ứng đầy đủ. 

Có được kết quả này là nhờ sự phối hợp kiên nhẫn, trường kỳ giữa chính quyền và bộ đội biên phòng. Hàng loạt các chính sách linh hoạt, mềm dẻo được đưa ra nhằm giúp bà con thay đổi nhận thức. 

Năm 2010, tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình phối hợp thực hiện đề án Phát triển đồng bào dân tộc Chứt giai đoạn 2010-2020. Một trong những nội dung của đề án là hỗ trợ cho các cặp vợ chồng kết hôn giữa người Chứt với các dân tộc khác. Mỗi cặp vợ chồng khi kết hôn được hỗ trợ 30 triệu đồng, xây dựng nhà mới, cấp đất sản xuất… Sau 4 năm thực hiện Đề án đã có nhiều mối tình “xuyên biên đơm hoa, kết trái”.

Song lại có vấn đề mới nảy sinh đó là tình trạng mất cân bằng giới tính. Hiện nay, tại bản Rào Tre có 16 thanh niên đến tuổi lập gia đình, nhưng có tới 11 nam và chỉ có 5 nữ. Tình trạng mất cân bằng giới tính của đồng bào các dân tộc Chứt ở Quảng Bình cũng diễn ra tương tự: số trẻ vị thành niên và thành niên nam gấp ba lần nữ. Thời gian qua, có 5 cặp kết hôn với người Kinh thì 4 trường hợp là gái bản lấy trai Kinh. Việc trai bản lấy được con gái người dân tộc khác là rất khó. Bởi vậy, tình trạng mất cân bằng giới tính ngày càng trở nên trầm trọng và nguy cơ tái hôn nhân cận huyết ngày càng cao.

Với vậy, để bảo tồn và phát triển dân tộc Chứt, giúp họ thoát đói, giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần một cách bền vững cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ để đưa các đề án phát triển đồng bào các dân tộc ít người vào thực tiễn cuộc sống. 

Tháng 10/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016-2025. Đối tượng hưởng lợi của đề án này là 16 dân tộc rất ít người khác nhau (các dân tộc dưới 10.000 người) trong đó có dân tộc Chứt. 

Với thời gian thực hiện 10 năm, Đề án có mục tiêu: duy trì, phát triển và nâng cao vị thế của các dân tộc rất ít người, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào một cách bền vững.

Cùng với đó, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vừa được triển khai sẽ góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa;……Đây là những cơ hội để bảo tồn và phát triển đồng bào dân tộc Chứt.

Thùy Chi - Đức Yên