- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ trên Biển Đông còn nhiều thách thức.

>> Toàn văn phát biểu của Thủ tướng 

Như một bản tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong phiên khai mạc kỳ họp 10 của QH sáng nay đã trình bày hai bản báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015; phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2016-2020 và năm 2016.

Thủ tướng cho hay, trước khi bước vào Kế hoạch 5 năm 2011-2015, nhiều dự báo lạc quan về triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế thế giới sau năm 2010. Nhưng những diễn biến kinh tế từ năm 2011 đã khiến QH phải quyết định điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

{keywords}
Các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ dự phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội

Thủ tướng nêu bật 9 nhóm kết quả quan trọng. Trong đó nhấn mạnh, tăng trưởng GDP năm 2015 ước đạt trên 6,5%, cao nhất trong 5 năm qua. GDPnăm 2015 đạt khoảng 204 tỉ USD, bình quân đầu người 2.228 USD (tính theo sức mua ngang giá là trên 5.600 USD).

 

Thủ tướng nêu bật việc tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả. Theo đó khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải; ưu tiên xử lý nợ xây dựng cơ bản. Tăng cường phân cấp, đề cao trách nhiệm của Bộ ngành, địa phương và chủ đầu tư.

 

Cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội chuyển dịch tích cực, trong đó đầu tư công giảm từ 35,5% năm 2010 xuống còn khoảng 30% năm 2015,đầu tư của dân cư và doanh nghiệp trong nước tăng từ 36,1% lên 42%.

 

Tập trung xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém. Đến tháng 9 năm 2015, nợ xấu còn 2,9% (tháng 9/2012 là 17,43%) và đã giảm 17 tổ chức tín dụng.

 

Tập trung vào cổ phần hoá, thoái vốn đầu tư ngoài ngành và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. DNNN tập trung hơn vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu. Đã sắp xếp 465 DNNN, trong đó cổ phần hóa 353 doanh nghiệp.

 

Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh khai thác hải sản xa bờ. Hình thành một số khu nông nghiệp công nghệ cao, tổ hợp nông - công nghiệp - dịch vụ quy mô lớn. Đa dạng hóa các loại hình hợp tác liên kết, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ...

 

Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn

 

Thủ tướng cũng thẳng thắn nêu 9 nhóm hạn chế, yếu kém. Đó là kinh tế vĩ mô ổn định chưa vững chắc. Cân đối ngân sách nhà nước còn khó khăn, cơ cấu chưa hợp lý, bội chi còn cao. Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn. 


Chất lượng tín dụng chưa cao, xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém còn nhiều khó khăn. Huy động nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước còn hạn chế.


{keywords}
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Thủ tướng chỉ ra năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Sản xuất kinh doanh và xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước, nhất là nông sản còn nhiều khó khăn, liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn hạn chế...

 

"Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn còn vướng mắc, chưa thực sự trở thành động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội" - Thủ tướng cho hay.

Đề cập tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm, Thủ tướng thừa nhận hiệu quả đầu tư công chưa cao. Tái cơ cấu DNNN và sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp chưa đạt mục tiêu đề ra.

Đổi mới công nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ và các ngành có công nghệ cao, giá trị gia tăng cao còn chậm. Chưa tham gia được nhiều vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.


Bên cạnh đó, giải quyết việc làm,đời sống của một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn.  Khoảng cách giàu nghèo còn lớn, tệ nạn xã hội một số nơi còn diễn biến phức tạp. Nhiều biểu hiện xấu về đạo đức, lối sống gây bức xúc trong nhân dân.

 

Thủ tướng cũng nêu hạn chế xung quanh việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ trên Biển Đông còn nhiều khó khăn, thách thức.

 

An ninh trật tự, an toàn xã hội trên một số địa bàn vẫn còn phức tạp; một số vụ án nghiêm trọng gây bức xúc xã hội; một số tổ chức nhen nhóm hình thành trái pháp luật. Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng còn nhiều bất cập. Tai nạn giao thông vẫn còn nghiêm trọng; ùn tắc giao thông tại đô thị lớn khắc phục chậm.

2020: GDP đầu người 3.750

Về các mục tiêu và chỉ tiêu thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước, năm 2016 cao hơn năm 2015.

{keywords}
Chính phủ đặt mục tiêu kỳ vọng tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm đạt 6,5-7%/năm, năm 2016 đạt 6,7%. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.750 USD, năm 2016 khoảng 2.450 USD.

 

Bội chi NSNN đến năm 2020 giảm xuống còn 4,8% GDP, năm 2016 là 4,95%. Theo đó, có 8 nhóm giải pháp, nhiệm vụ được Thủ tướng đề cập để đạt các mục tiêu, chỉ tiêu như trình QH.

Kỳ vọng

Trước đó trong bài phát biểu khai mạc kỳ họp QH, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, năm 2015, tình hình kinh tế, tài chính, tiền tệ thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp; tăng trưởng của một số nền kinh tế lớn giảm, giá dầu giảm sâu; tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến khó lường… đã tác động tiêu cực đến kinh tế nước ta.

Ở trong nước, với sự nỗ lực phấn đấu, đóng góp to lớn, bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cộng đồng doanh nghiệp, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ và chính quyền các cấp, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, đạt được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực.

{keywords}
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng

Tăng trưởng kinh tế tiếp tục phục hồi, đạt mức cao hơn kế hoạch đề ra; cải cách hành chính có bước tiến mới; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện; tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng được đẩy mạnh và đạt những kết quả tích cực.

Mặc dù vậy, tình hình kinh tế-xã hội vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cơ cấu ngân sách nhà nước thiếu bền vững, bội chi cao, nợ công tăng; nông nghiệp tăng trưởng thấp, xuất khẩu nông sản gặp nhiều khó khăn...

Tình hình đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết một lòng, thống nhất tư tưởng và hành động, có các giải pháp toàn diện, căn cơ, đồng bộ nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015, tạo thế và lực đưa đất nước vững vàng bước vào chặng đường phát triển tiếp theo.

Chủ tịch QH cho hay, kỳ họp thứ 10 là kỳ họp cuối năm, kỳ họp có khối lượng công việc rất lớn, nhiều nội dung quan trọng. Nhiệm vụ đặt ra thật nặng nề và trách nhiệm cũng rất lớn lao. 

"Tôi trân trọng đề nghị Chính phủ, các cơ quan của QH và các cơ quan, tổ chức hữu quan dành thời gian và công sức tiếp tục chuẩn bị, hoàn thiện chu đáo các nội dung trình QH theo chương trình, tiến độ đã xác định; đề nghị các vị ĐBQH phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, chất lượng góp phần để kỳ họp thành công tốt đẹp”, Chủ tịch QH nhấn mạnh.

Linh Thư - Ảnh: H.Long