Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh PGS.TS Tường Duy Kiên khẳng định: “Trong lĩnh vực bảo vệ và đấu tranh trên lĩnh vực quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam hiện nay không thể thiếu vai trò của truyền thông, báo chí”.
Vai trò của báo chí, truyền thông
Báo chí có vai trò là phương tiện thông tin thiết yếu của đời sống xã hội, là cơ quan ngôn luận của các cơ quan Đảng, nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội..., là diễn đàn của nhân dân; chức năng thông tin, định hướng thông tin là chức năng quan trọng hàng đầu của báo chí, truyền thông. Chính vì vậy, PGS.TS Tường Duy Kiên khẳng định, trong bảo vệ và đấu tranh trên lĩnh vực quyền con người, quyền công dân, không thể thiếu vai trò của truyền thông, báo chí.
Thực tiễn cho thấy, bên cạnh vai trò của Đảng, Nhà nước trong hoạch định chính sách bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, cần chú trọng đến vai trò của truyền thông, báo chí trong truyền tải quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhằm đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống. Đồng thời, truyền thông, báo chí còn phát hiện và phê phán các hành vi vi phạm quyền con người, quyền công dân, qua đó đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, lợi ích của Nhà nước; tham gia vào cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận nhằm bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực quyền con người, quyền công dân.
Ảnh minh họa |
Trong thực tiễn của đời sống xã hội, đây đó vẫn có các vi phạm quyền con người, quyền công dân như việc phâm phạm đời tư, nắm giữ các thông tin các nhân, phân biệt đối xử, hay như việc chậm trễ giải quyết các khiếu kiện, khiếu nại của người dân…. Vì vậy, nhằm ngăn ngừa, hạn chế các hành vi vi phạm, truyền thông, báo chí cần tập trung tuyên truyền về quyền con người, về những thành tựu của Nhà nước Việt Nam trong việc thúc đẩy quyền con người, nêu gương các cá nhân, tổ chức dũng cảm đấu tranh chống hành vi vi phạm quyền con người; đồng thời thông tin việc xử lý những hành vi lợi dụng quyền con người, quyền tự do dân chủ để gây rối trật tự, qua đó góp phần nâng cao nhận thức về quyền con người.
Và, “việc truyền thông, giáo dục về quyền con người cần tiến hành thường xuyên, liên tục, chủ động và toàn diện, mang tính thuyết phục qua những câu chuyện thực tế”, PGS.TS Tường Duy Kiên nhấn mạnh.
Chia sẻ thông tin, kiến thức về quyền con người
Một nghiên cứu công phu, cấp bộ qua đề tài, "Tăng cường vai trò của thiết chế truyền thông trong bảo vệ quyền con người và quyền công dân ở Việt Nam đã chỉ ra rằng, chỉ khi nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước và người dân hiểu được những chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về quyền con người thì họ sẽ tự biết cách chọn lọc thông tin trên các trang mạng xã hội.
Nhưng để đạt được điều đó thì bản thân các cơ quan truyền thông, bản thân mỗi nhà báo cũng cần phải đổi mới cách thức tiếp nhận, thu thập và xử lý thông tin về quyền con người, nâng cao trình độ của người làm công tác báo chí, người làm công tác thông tin tuyên truyền phải am hiểu chuyên sâu về vấn đề quyền con người, am hiểu pháp luật, từ đó đưa ra những thông tin chính xác.
Bởi vậy, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã liên tục tổ chức các hội nghị tập huấn về công tác thông tin, truyền thông về quyền con người cho cán bộ làm công tác truyền thông, phóng viên các cơ quan báo chí tại các tỉnh, thành trong cả nước theo các chủ đề cụ thể.
Hội nghị tập huấn tổ chức tại Đắk Lắk, được thiết kế với 5 chuyên đề, qua đó cập nhật, đánh giá thực tiễn, cung cấp thông tin mới về công tác bảo đảm quyền con người ở Việt Nam; củng cố kiến thức về quyền con người, về chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong việc bảo đảm quyền của đồng bào dân tộc thiểu số.
Thông qua buổi tập huấn này, người tham dự được nghe về kết quả của công tác đối ngoại về nhân quyền của Việt Nam thời gian qua và dự báo tình hình năm 2021; những bài học rút ra cùng những phương pháp, cách thức đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quyền con người thời gian tới. Các đại biểu cũng đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình tác nghiệp thực tế về quyền của con người; về việc thực hiện công tác chính sách dân tộc – tôn giáo tại địa phương, cơ sở; kết quả triển khai thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về nhân quyền của tỉnh Đắk Lắk.
Ông Nguyễn Văn Kỷ, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền của Chính phủ khẳng định, báo chí có vai trò rất quan trọng trong việc giúp cán bộ, nhân dân trong nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế hiểu rõ những thành tựu trong công tác đấu tranh, bảo vệ nhân quyền, để nhìn nhận, hiểu rõ quan điểm, chủ trương của Đảng về quyền con người, cũng như nỗ lực của Chính phủ, cùng các cấp, ngành, chính quyền các địa phương trong việc bảo đảm quyền con người.
“Ban Tổ chức kỳ vọng báo chí tiếp tục có những sản phẩm tuyên truyền về nhân quyền, đặc biệt là lĩnh vực tự do tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc; đồng thời tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số về phòng, chống hoạt động mua bán người”, ông Nguyễn Văn Kỷ “đặt hàng” với các nhà báo, người làm công tác truyền thông.
Như Sỹ