Thương hiệu thuốc Việt

Mặc dù ảnh hưởng của Covid-19, nhiều doanh nghiệp dược tiếp tục giữ vững vị thế trên thị trường trong nước cũng như hội nhập quốc tế. Dược Nam Hà trở thành một trong 124 doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam, với sản phẩm Bổ phế Nam Hà và Coldi.

Đến nay, doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh. Trong đó đầu tư hàng trăm tỷ đồng mua sắm trang thiết bị, công nghệ; nâng cấp hệ thống nghiên cứu - sản xuất - kinh doanh đạt tiêu chuẩn GMP-GLP-GSP theo tiêu chẩu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Hệ thống quản lý chất lượng đạt tiêu chuẩn ISO-9001: 2015.

Công ty sản xuất và cấp phép lưu hành hơn 100 sản phẩm thuốc tân dược, đông dược với nhiều dạng bào chế cùng hệ thống phân phối khắp cả nước. Nhiều sản phẩm trở nên thân thuộc với các thế hệ người Việt như: Bổ phế Nam Hà, Coldi B, Naphacogyl.

Dược phẩm Nam Hà cũng để lại dấu ấn tại thị trường quốc tế. Nhiều sản phẩm mang thương hiệu NamHa Pharma đã được xuất khẩu sang: Nga, Campuchia, Philippines, Bangladesh, Myanmar, châu Phi...

Tương tự, Dược Hậu Giang cũng là một trong những đơn vị đi đầu trên thị trường thuốc Việt. Năm 2020, đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của Dược Hậu Giang trong việc nâng cao chất lượng và gia tăng năng lực cạnh tranh của các sản phẩm theo tiêu chuẩn GMP toàn cầu.

Doanh nghiệp đã thành công khi nâng cấp thêm một dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn Japan-GMP. Sản phẩm chất lượng cao được sản xuất trên dây chuyền đạt tiêu chuẩn quốc tế là yếu tố quan trọng giúp công ty có thêm cơ hội hội nhập toàn cầu, nâng tầm thuốc việt.

Bên cạnh việc cung cấp sản phẩm chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng trong nước thông qua mạng lưới phân phối rộng khắp từ thành thị đến nông thôn. Dược Hậu Giang còn mang đến sự tự hào cho người dân Việt Nam khi không ngừng mở những cánh cửa thị trường xuất khẩu mới.

{keywords}
Nhiều sản phẩm thuốc trong nước được người tiêu dùng đánh giá cao 

Ngoài 15 thị trường quốc tế hiện hữu, Dược Hậu Giang đang chuẩn bị các giấy tờ phù hợp luật pháp các nước sở tại để thâm nhập vào các thị trường khó tính mới. Đây không chỉ là bài toán gia tăng thị phần của doanh nghiệp, góp phần hiện thực hóa mục tiêu 1 tỉ USD xuất khẩu thuốc đến 2030 của ngành, mà còn là câu chuyện quốc gia khẳng định vị trí thuốc Việt trên thế giới.

Tiên phong trong "cuộc cách mạng Thuốc Đông dược", Traphaco nhanh chóng sở hữu nhà máy sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP-WHO về Đông dược tại miền Bắc năm 2009. Cùng năm đó, Công ty triển khai Dự án Green Plan - xây dựng và phát triển các vùng trồng dược liệu sạch đạt chuẩn GACP-WHO.

Từ đây mở ra kỷ nguyên mới cho lĩnh vực thuốc Đông dược/dược liệu tại Việt Nam, tạo dựng lòng tin của người dân và giới chuyên môn về chất lượng và hiệu quả của thuốc Đông dược hiện đại, góp phần nâng cao vị thế thuốc Việt trong công tác phòng và điều trị bệnh cho người Việt.

Thuốc Việt được người tiêu dùng tin chọn

Hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" của Bộ Chính Trị và triển khai đề án "Người Việt Nam dùng thuốc Việt Nam" của Bộ Y tế. Cục quản lý Dược đã xây dựng chương trình truyền thông "Con đường thuốc Việt" với mục tiêu truyền thông sâu rộng đến người dân về sự phát triển của ngành Dược Việt Nam cũng như định hướng phát triển theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Với nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ của Bộ Y tế, đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” đã mang về những kết quả rất đáng khích lệ. Danh mục thuốc sản xuất trong nước trúng thầu kênh bệnh viện (ETC) đã tăng gần 7 lần so với năm 2016.

Tỷ trọng thuốc sản xuất trong nước sử dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh từ mức 46,62% năm 2013 tăng lên 63,53% năm 2018, đáp ứng nhu cầu thuốc cho nhân dân. Những con số này sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới cùng với hiệu ứng lan tỏa của đề án.

Bộ Y tế đã ban hành danh mục 640 thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu điều trị, giá thuốc và khả năng cung ứng, không mua thuốc nhập khẩu. Thuốc sản xuất trong nước cũng được phân nhóm để được đấu thầu riêng, đồng thời cũng được tham gia tất cả các nhóm đấu thầu khác khi đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật. Với chính sách này, dự kiến trong tương lai gần thuốc sản xuất tại Việt Nam sẽ có đà để phát triển mạnh mẽ.

Số liệu báo cáo cho thấy, thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu thuốc cho công tác phòng và chữa bệnh cho nhân dân; sản xuất được 12/13 loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Hiện, cả nước có 198 nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP của Tổ chức Y tế thế giới (WHO); 11 nhà máy đã đầu tư và đạt tiêu chuẩn của châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, PIC/S (Công ước về Thanh tra Dược và Chương trình hợp tác thanh tra).

Ngoài ra, thuốc sản xuất trong nước còn đáp ứng đầy đủ 27 nhóm tác dụng dược lý theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới. Đã có 652 thuốc trong nước được công bố chứng minh tương đương sinh học so với thuốc biệt dược gốc và thuốc phát minh.

Có thể thấy, những con số thống kê về tỉ lệ sử dụng thuốc trong nước không chỉ khẳng định chất lượng của thuốc được sản xuất ở trong nước, mà còn thay đổi suy nghĩ của người dân, tạo nên chuyển biến mới cho ngành dược.

Phan Thân