Mới đây, Diễn đàn trẻ em Quốc gia lần thứ VII năm 2023 với chủ đề “Trẻ em tham gia xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em” đã diễn ra tại Hà Nội từ ngày 5 - 8/8.

Diễn đàn trẻ em Quốc gia lần thứ VII có sự tham dự của 188 trẻ em đến từ nhiều vùng miền trong cả nước. Các em là những gương mặt tiêu biểu, được bình chọn từ 43 tỉnh, thành phố, đơn vị, đại diện cho 25 triệu trẻ em trong cả nước. Trong đó, có em đến từ các bản làng xa xôi, có những em là trẻ mồ côi, khuyết tật, có em còn rất nhỏ, có em có thành tích học tập và rèn luyện nổi bật.

Những ngày qua, các em đã cùng nhau sống trong ngôi nhà chung; cùng trao đổi, thảo luận về những vấn đề quan trọng liên quan đến trẻ em như: Trẻ em tham gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; Trẻ em tham gia phòng, chống, giảm thiểu tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông; Trẻ em tham gia bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; Trẻ em tham gia phòng, chống biến đổi khí hậu, dịch bệnh, thiên tai; Trẻ em tham gia phòng, chống trẻ em lao động trái quy định của pháp luật. 

Diễn đàn trẻ em Quốc gia lần thứ VII với chủ đề “Trẻ em tham gia xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em”.

Tại phiên chính thức của diễn đàn, nhiều câu hỏi liên quan đến các vấn đề của trẻ em như: Làm thế nào để giảm tình trạng tảo hôn ở trẻ em dân tộc? Giải pháp nào để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng hiệu quả? Đâu là giải pháp để giảm thiểu tai nạn thương tích, phòng chống xâm hại, bạo lực đối với trẻ em? Làm thế nào để nắm thông tin về trẻ em và xử lý các vấn đề về trẻ em một cách hiệu quả? Cách nào để giúp trẻ bị xâm hại, bị bạo lực vượt qua được khủng hoảng, ổn định tâm lý?… đã được gửi đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành liên quan.

Những ý kiến, kiến nghị của các em đã được đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ Y tế, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam… giải đáp và làm rõ.

Tham dự diễn đàn, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho hay, việc xây dựng một môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh không chỉ có ý nghĩa với trẻ em mà cả đối với sự phát triển bền vững của đất nước. 

Ông cho rằng, để tạo dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho mọi trẻ em, các bộ, ngành, địa phương, các đoàn thể chính trị - xã hội cần tiếp tục lắng nghe, xem xét và đáp ứng ý kiến, nguyện vọng phù hợp của trẻ em, nhất là những địa phương chưa quan tâm đầy đủ đến công tác này.

“Khi làm bằng trái tim, sự thấu hiểu thì chúng ta sẽ hiểu những gì trẻ em các em cần”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng đề nghị, tăng cường sự phối hợp cả 3 nhân tố là: gia đình, nhà trường và xã hội để dành tình cảm, những điều tốt nhất cho trẻ em, nhất là những em có hoàn cảnh đặc biệt, nhằm phát triển toàn diện Đức - Trí - Thể - Mỹ, rèn luyện kỹ năng mềm, kỹ năng sống, biết điều hay, lẽ phải, có đủ kiến thức để ứng phó và tự bảo vệ mình trước các tình huống nguy hiểm như: bị bạo hành, bị xâm hại về thể chất hoặc tinh thần; có thể tránh, phòng ngừa các hành vi, hiện tượng xấu, tiêu cực, nguy cơ bị tai nạn thương tích, đuối nước...

Bên cạnh đó, các Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, các hội bảo vệ trẻ em, tổ chức tư vấn tâm lý… cần thiết lập thêm nhiều kênh kết nối, lắng nghe, nắm bắt kịp thời tâm tư, suy nghĩ của trẻ em với sự gần gũi, chân tình, riêng tư. Đồng thời tăng cường hoạt động tư vấn tâm lý trong trường phổ thông, nhằm phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp (khi cần thiết) đối với học sinh đang gặp phải khó khăn về tâm lý trong học tập và cuộc sống.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, đoàn thể chính trị - xã hội cùng tham gia xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa, an toàn trên môi trường mạng. Có giải pháp ngăn chặn hiệu quả các thông tin xấu, độc, nội dung không phù hợp với lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng.

Phát động nhiều phong trào bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp, hình thành nếp sống thân thiện, hòa mình với thiên nhiên trong các em nhỏ. Cuối cùng là tạo thêm nhiều kênh, diễn dàn để trẻ em được biểu đạt nguyện vọng, tham gia xây dựng và hoàn thiện chính sách có liên quan đến quyền và lợi ích của trẻ em.

Thuý Vi