- Mỗi vụ việc không được giải quyết dứt điểm từ cơ sở, càng để kéo dài, càng phức tạp thêm, gây nhiều bức xúc, tổn hại không chỉ cho Bạn đọc mà thậm chí cho xã hội.

TIN BÀI KHÁC

“Gia sản lớn” của biên tập viên

Năm hết Tết đến, biên tập viên phụ trách công tác tiếp nhận, xử lý đơn thư Bạn đọc thu dọn giấy tờ, tài liệu, nhận ra một điều thú vị: Có lẽ mình có “gia sản” vào loại lớn nhất Tòa soạn! Đơn thư Bạn đọc xử lý xong, dù được gói buộc theo từng tháng, nhưng vẫn… không đủ chỗ xếp cho gọn gàng trên bàn, dưới gầm, xung quanh chỗ ngồi, mà phải đem gửi gắm! Ấy là đơn thư bằng văn bản Bạn đọc gửi chuyển phát nhanh qua đường Bưu chính, chưa kể số đơn thư Bạn đọc gửi qua email, nếu “quy” ra văn bản, chắc cũng chừng ¼ số lượng! 

{keywords}
Cần tăng cường giải quyết khiếu nại tố cáo từ cơ sở (Ảnh minh họa)

Năm vừa qua, qua đơn thư (gồm cả bằng văn bản và qua email), Ban Bạn đọc nhận được hơn 600 vụ việc của Bạn đọc từ khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước với đủ thể loại: Tố cáo, khiếu nại, kêu cứu, phản ánh… rất nhiều lĩnh vực. Nội dung khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, mua nhà Dự án, ô nhiễm môi trường sống, lừa đảo trên mạng… chiếm tỷ trọng lớn.

Trong số đó có 70 đơn từ 2 người ký tên trở lên; đặc biệt có 3 đơn về vụ xây dựng cảng Contener (Nghi Sơn- Thanh Hóa) làm mất nghề biển của dân; vụ thu hồi đất mầu đồi ở Gia Viễn (Ninh Bình) mở rộng khu du lịch Bái Đính; vụ Núi Tô- Tri Tôn- An Giang mỗi đơn có hàng trăm chữ ký.

Trừ số đơn thư nặc danh, địa chỉ không rõ ràng, nội dung không đáng tin cậy…chiếm khoảng 10%, Ban Bạn đọc đã xử lý hơn 500 đơn thư Bạn đọc bằng cách tóm tắt nội dung đưa vào Hồi âm đơn thư Bạn đọc, xuất bản trên trang Bạn đọc của Báo VietNamNet vào các ngày giữa tháng và cuối tháng.

38 vụ việc được Báo VietNamNet chuyển đến 70 cơ quan có thẩm quyền đề nghị xem xét, giải quyết, cho Báo biết ý kiến để trả lời Bạn đọc. 24 Cơ quan có thẩm quyền đã có Công văn phúc đáp, đều được biên tập ngắn gọn và xuất bản trong chuyên mục Hồi âm của trang Bạn đọc và phô tô Công văn phúc đáp gửi Bạn đọc để biết, theo dõi.

Mong Cơ quan quan có thẩm quyền xử lý sớm, dứt điểm vụ việc

Không ít đơn thư được Bạn đọc gửi đi gửi lại nhiều lần, kéo dài trong nhiều năm; lâu lâu lại bổ sung “Phiếu chuyển”, “Giấy báo tin”…của Cơ quan nhận đơn, đều hướng về cơ sở yêu cầu xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật và báo cáo lại cấp trên. Ngay cả Công văn phúc đáp Báo VietNamNet của cơ quan chức năng cấp tỉnh, thành phố, cũng có tỷ lệ không nhỏ thông báo là đã chuyển Công văn của Báo và đơn của Bạn đọc về cơ sở dù Công văn của Báo cũng được gửi về nơi đó. Báo và Bạn đọc trông đợi nhất là cấp cơ sở giải quyết dứt điểm vấn đề như thế nào; nhưng thường là…không phúc đáp; hoặc “không có căn cứ”, “không có cơ sở” xem xét… Không chấp nhận, Bạn đọc lại bước vào vòng đơn thư tiếp theo.

Mỗi vụ việc không được giải quyết dứt điểm từ cơ sở, càng để kéo dài, càng phức tạp thêm, gây nhiều bức xúc, tổn hại không chỉ cho Bạn đọc mà thậm chí cho xã hội. Xin dẫn ra đây 3 vụ việc:

Bạn đọc Đỗ Văn Hải (Hà Nội) nguyên là một cán bộ của Tập đoàn Dầu Khí, từ năm 2010-2011 đã viết đơn tố cáo những sai phạm của ông Đinh La Thăng, nhưng đơn không được xem xét kịp thời, trái lại người viết đơn còn bị bắt tạm giam 3 tháng; bị kỷ luật bằng hình thức sa thải, thân bại danh liệt. Cho đến nay, người mà BĐ Hải tố cáo đã bị pháp luật xử lý. Ông Đinh La Thăng khi đứng trước UB Kiểm tra TƯ cũng nói giá mà các đồng chí kiểm tra phát hiện sớm thì hậu quả không nặng nề…Ông Thăng-người bị tố cáo-thì đã vào tù, còn BĐ Đỗ Văn Hải-người tố cáo-liệu có sớm được phục hồi danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp? Nếu chậm, rất có thể lại có một vòng đơn thư mới!

Bạn đọc Trần Thị Thi (Nghệ An) mỗi lần ra “gõ cửa” các cơ quan thẩm quyền ở TƯ đều đến Báo VietNamNet. Tiếp nối di nguyện của mẹ, BĐ Thi đi từ huyện Thanh Long, tỉnh Nghệ An, lên Trung ương gửi đơn đề nghị trả lại đất để xây nhà thờ Liệt sỹ Trần Công Hạnh ở xã Thanh Long, huyện Thanh Chương. Báo VietNamNet nhiều lần đăng bài, gửi Công văn đề nghị các cơ quan ở TƯ và địa phương xem xét. Đã có lần, vụ việc tưởng sắp được giải quyết, nhưng rồi lại vuột qua. Đơn gửi đến đâu, chờ lâu không được giải quyết, BĐ lại “tố cáo” cán bộ của cơ quan đó! Biên tập viên Báo VietNamNet có lần nói vừa bi vừa hài: Cứ đà này, sắp đến lượt tôi bị “tố cáo” rồi! Cách đây vài tháng, BĐ Thi ghé qua Báo than thở: Bảo vệ các cơ quan tiếp dân không nhận đơn, không cho tôi vào nữa rồi! Chẳng lẽ vụ việc lại bị giải quyết theo cách thế này?

Bạn đọc Trương Phong (Bình Định) gửi đơn “kêu cứu” đến mấy chục lần! Hơn 29 ha đất trồng rừng bị thu hồi từ năm 2009, mãi đến năm 2014 mới có Quyết định chi trả bồi thường hơn 6 tỷ đồng, nhưng vẫn không nhận được tiền! Báo VietNamNet 2 lần có Công văn đề nghị UBND tỉnh Bình Định và huyện Hoài Nhơn xem xét; huyện trả lời chờ chỉ đạo của tỉnh; còn tỉnh thì …im lặng! Đến cuối năm 2017, BĐ Trương Phong vẫn gửi Báo đơn kêu cứu! Huyện Hoài Nhơn chờ, tỉnh Bình Định bao giờ cho ý kiến? 

Để kết thúc bài viết, xin dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tại Hội nghị trực tuyến cuối tháng 12 năm ngoái: “Cơ bản có nhiều việc chúng ta sai, chúng ta không chịu sửa. Chúng ta phó mặc chuyện đó đi khiếu nại thành đám đông rất lớn. Gọi là Chính phủ do dân, vì dân nhưng dân đi khiếu nại quá trời đất là làm sao? Chính quyền các cấp phải bố trí theo dõi, nhất là ở huyện, xã, tỉnh phải làm việc này. Tôi năm nay cũng thực hiện chủ trương, ở nơi nào dân kéo ra Hà Nội tôi mời đồng chí Chủ tịch tỉnh lên nhận dân về để giải quyết chuyện này, chứ không phải đẩy lên Trung ương không đâu. Phải dứt khoát chuyện này”.

Ban Bạn đọc