- “Đây là tình huống vô cùng cấp bách, bệnh nhân mất máu cấp. Không thể chờ người thân, nếu chậm trễ cô ấy sẽ chết. Đồng nghiệp còn khuyên tôi cẩn thận kẻo ca mổ thất bại sẽ có nguy cơ bị gia đình bệnh nhân kiện...", bác sĩ kể giờ phút quyết định cứu sống một cô gái.

Cố cứu dù gia đình chuẩn bị lo hậu sự

Khi đến bệnh viện cấp cứu, nhiều bệnh nhân đã ở bên bờ vực của sự sống và cái chết, người nhà của họ cũng nghĩ đến tình huống xấu nhất, thậm chí chuẩn bị hậu sự, nhưng những quyết định trong tích tắc của các bác sĩ Khoa Ngoại Bệnh viện FV đã làm nên điều kỳ diệu, giúp hồi sinh những trái tim tưởng đã ngừng đập.

BS Lê Đức Tuấn - Khoa Ngoại tổng quát, Bệnh viện FV vẫn nhớ như in ca mổ hiếm gặp trong đời mình. Đó là trường hợp anh M. bị tai nạn lao động sập giàn giáo.

{keywords}

Quyết định mổ hay không mổ của bác sĩ mang tính sống còn đối với người bệnh.

“Hôm đó anh ta được đưa tới trong tình trạng kinh hoàng, thanh sắt đâm xọc từ bụng lên ngực. Gia đình bệnh nhân phải cưa bớt thanh sắt mới đưa được anh này vào trong taxi”, bác sĩ Tuấn hồi tưởng.

Sau khi kiểm tra, bác sĩ Tuấn xác định thanh sắt đã đâm xuyên bụng, ngực, thành ruột, dạ dày, gan và cơ hoành, bệnh nhân mất nhiều máu, vô cùng nguy kịch.

BS Tuấn quyết định mổ khẩn cấp, cố nắm lấy cơ hội ít ỏi cứu sống bệnh nhân.

Ca mổ được huy động tất cả chuyên khoa cùng phương tiện, thiết bị y tế hiện đại.

Khi vừa mở ổ bụng bệnh nhân, máu phun như vòi nước. Thanh sắt đã xuyên qua mạch máu lớn, làm thủng dạ dày khiến thức ăn tràn ra khắp ổ bụng.

Ê kíp phẫu thuật vừa tiến hành cầm máu, vừa dùng chính máu của bệnh nhân lọc để truyền hoàn hồi.

Khó khăn nhất là thời khắc rút thanh sắt ra, ê kíp mổ với hơn 10 y bác sĩ đều căng thẳng, nín thở chờ đợi vì lo sợ máu sẽ tuôn ào ạt.

May mắn điều xấu nhất đã không xảy ra, ca mổ thành công tốt đẹp. Các bác sĩ rất xúc động khi chứng kiến cảnh anh M., lao động chính của gia đình hồi phục trong sự vui mừng của người thân.

“Chờ người thân đồng ý cô ấy sẽ chết”

Ngoài anh M., trường hợp của cô sinh viên trường Đại học Tôn Đức Thắng bị tai nạn giao thông nghiêm trọng cũng được cứu sống vô cùng ngoạn mục.

Cô gái nhập viện trong tình trạng bể ruột, bể lách, hôn mê; mạch, huyết áp không đo được.

“Đây là tình huống vô cùng cấp bách, bệnh nhân mất máu cấp. Không thể chờ người thân, nếu chậm trễ cô ấy sẽ chết. Đồng nghiệp còn khuyên tôi cẩn thận kẻo ca mổ thất bại sẽ có nguy cơ bị gia đình bệnh nhân kiện. Tôi đã chấp nhận, quyết định phẫu thuật luôn để cứu cô gái dù chưa kịp có sự đồng ý từ người nhà”, bác sĩ Tuấn kể về giây phút sinh tử ấy.

Cô nữ sinh bị mất hơn 2 lít máu và ruột già, ruột non, lá lách gần như bể vụn. Sau 6 giờ đồng hồ chạy đua với tử thần để giành mạng sống cho cô gái, BS Tuấn và ê kíp đã thành công.

Nhờ sự quyết định nhanh chóng và trình độ chuyên môn cao của các BS, cô gái không chỉ sống mà còn quay về với sách vở, giảng đường đại học. Giờ đây, cô gái xem các BS như là cha mẹ thứ hai của mình.

Không chỉ BS Tuấn, BS Phan Văn Thái - Khoa Ngoại của bệnh viện này cũng luôn đứng trước tình huống phải đưa ra các quyết định sinh tử cứu sống bệnh nhân.

Gần đây, bác sĩ Thái tiếp nhận một cụ ông 78 tuổi, được chuyển lên từ miền Tây. Cụ nhập viện trong tình trạng bị đau bụng, tiêu chảy hai ngày, tụt huyết áp và bắt đầu rối loạn tri giác.

Sau khi thăm khám, bác sĩ Thái nghĩ ngay đến bệnh lý nhồi máu mạc treo ruột gây hoại tử ruột, nếu không phẫu thuật kịp thời thì cầm chắc cái chết. Trường hợp này nếu được điều trị tích cực bằng phẫu thuật và hồi sức thì tỉ lệ tử vong vẫn chiếm 60 - 90%.

“Lúc đó bệnh nhân rất yếu, nguy kịch, không đủ sức khỏe để mổ, phải hồi sức tích cực bằng thuốc. Các BS luôn túc trực bên bệnh nhân, cứ mỗi 10 phút đánh giá lại tình trạng sức khoẻ một lần. Sau 2 giờ, thấy bệnh nhân cầm cự được nên tôi tiến hành mổ ngay”, bác sĩ Thái nhớ lại.

Đúng như chẩn đoán ban đầu, bệnh nhân bị nhồi máu mạc treo ruột, dẫn đến một đoạn ruột dài bị hoại tử. Ê kíp mổ đã cắt bỏ đến 80% ruột non để cứu bệnh nhân, cụ ông thoát lưỡi hái tử thần trong đường tơ kẽ tóc.

Đối với các BS khoa Ngoại, đôi khi thử thách không phải đến từ những ca mổ khó, mà từ quyết định mổ hay không mổ trước hoàn cảnh thập tử nhất sinh của bệnh nhân.

Thanh Huyền