Chủ tịch HAGL cho rằng, với vị trí địa lý thuận tiện của nơi đặt nhà máy, trang trại nuôi bò sữa, sản phẩm sản xuất ra sẽ tiêu thụ khắp thị trường ASEAN chứ không chỉ ở Việt Nam.

Lợi thế nhờ sân nhà

Chia sẻ tại buổi công bố trồng 1.000 ha đậu tương để sản xuất sữa đậu nành sáng 29/9, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) Đoàn Nguyên Đức, cho biết, sau gần 16 tháng hợp tác đầu tư dự án bò sữa, HAGL hiện có 10.000 con bò, trong đó 5.000 con đã cho sữa. Sản lượng hơn 100 tấn mỗi ngày đáp ứng nhu cầu sản xuất sữa tươi, sữa chua giai đoạn 1 của NutiFood. Nhà máy sản xuất tại Gia Lai, chỉ cách vùng nguyên liệu 40 km của đơn vị này cũng đã hoàn thành.

Sữa tươi được sản xuất từ sự hợp tác của 2 bên đã có mặt trên thị trường. Theo ông chủ HAGL, mức này rẻ nhất Việt Nam khi thấp hơn sản phẩm cùng phân khúc 3.000 đồng/lít. Việc tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp sẵn có như mía, cọ dầu, bắp… và áp dụng công nghệ cao là những yếu tố khiến giá thành giảm.

{keywords}

Theo Chủ tịch HAGL, nông nghiệp hiện chiếm đến khoảng 80% tổng mức đầu tư của tập đoàn.

“HAGL chỉ bán sữa nguyên liệu cho NutiFood và không có đối tác thứ 2, nên không phải lo chuyện đầu vào. Tôi cam kết cung ứng sữa bò tốt nhất với giá cạnh tranh nhất để nhà sản xuất cho ra sản phẩm chất lượng tốt, giá rẻ nhất tại thị trường Việt Nam. Trong 1-2 năm tới, khi dự án hoàn thiện, chúng tôi sẵn sàng cạnh tranh với bất cứ đối thủ nào trên thị trường”, bầu Đức nói.

Theo lý giải của Chủ tịch HAGL, ngoài những điều kiện sẵn có từ phụ phẩm nông nghiệp hỗ trợ nuôi bò để có giá đầu vào rẻ, địa bàn sản xuất cũng là lợi thế lớn. Vùng chăn nuôi bò và nhà máy sản xuất đặt tại Gia Lai, nơi có độ cao 800 m so với mực nước biển với khí hậu dịu mát, là điều kiện lý tưởng của sản xuất sữa tươi. Địa phương này lại có vị trí thuận tiện khi di chuyển đến Hà Nội, TP HCM; và chỉ cách vùng đông bắc Thái Lan 600 km, lại rất gần với Lào, Campuchia. Tham vọng của 2 đơn vị là nguồn sữa sản xuất ra không chỉ cung ứng cho thị trường trong nước mà cả khu vực ASEAN.

“Gia Lai sẽ là một địa điểm quan trọng trên bản đồ sản xuất sữa, và chúng sẽ ngồi tại đây bán sản phẩm đi khắp Đông Nam Á chứ không phải loanh quanh trong nước”, bầu Đức khẳng định.

Nông nghiệp chiếm gần 80% tổng đầu tư của HAGL

Ông chủ HAGL cũng cho biết, ông đã trồng mía, cọ dầu, cao su và nuôi bò thì không có lý gì không trồng được đậu tương để sản xuất sữa đậu nành. Cũng vì vậy mà đơn vị này đang dành 1.000 ha đất để trồng đậu tương. Dự kiến trong 5 năm tới, quỹ đất cho đậu nành của HAGL sẽ lên tới 3.000 ha, cho sản lượng 20.000 tấn nguyên liệu để đảm bảo kế hoạch sản xuất khoảng 185 triệu lít sữa đậu nành mỗi năm.

Theo bầu Đức, sản phẩm sữa đậu nành được sản xuất từ đậu tương do HAGL trồng sẽ có mặt trên thị trường Việt Nam 3 tháng sau. Đây sẽ là sữa sạch, với giá cạnh tranh nhất, bởi đậu tương được trồng hữu cơ từ nguồn phân bò khoảng 500 tấn mỗi ngày của trang trại HAGL.

“Tôi cam đoan đây là nguồn sữa đậu nành sạch đầu tiên tại Việt Nam, với 100% giống là đậu Việt Nam chứ không phải giống biến đổi gen”, ông Đức khẳng định. Bầu Đức cũng cho biết, nông nghiệp đang là lợi thế chủ lực của HAGL, chiếm tới khoảng 80% tổng đầu tư của tập đoàn. Tuy nhiên, dự án trồng đậu nành mới ở bước đầu, HAGL chưa có ý định tính lợi nhuận trong năm nay và cả 2016.

Với dự án bò thịt, bầu Đức cho biết, hiện mỗi ngày HAGL cung ứng cho các lò mổ khắp cả nước 300 con bò. Đến cuối năm 2015, thịt bò mang thương hiệu HAGL sẽ có mặt trên thị trường.

“Dù lượng bò thịt cung ứng ra thị trường mỗi ngày khá lớn, nhưng người tiêu dùng vẫn chưa thể thấy thịt bò HAGL. Nguyên nhân là chúng tôi mới chỉ bán bò cho các cơ sở chứ chưa thực hiện khâu giết mổ, kinh doanh thịt. Tôi không đồng ý cho các cơ sở thu mua sử dụng thương hiệu, vì lo họ sẽ trộn lẫn các sản phẩm thịt bò không rõ nguồn gốc với thịt bò chúng tôi, phá vỡ thương hiệu HAGL. Nhưng đến hết năm nay, thịt bò HAGL sẽ đến tay người tiêu dùng”, bầu Đức nói.

Vissan đã ngừng hợp tác với HAGL

Trước đó, vào tháng 6/2014, HAGL cũng công bố hợp tác giết mổ, phân phối bò thịt với Công ty TNHH MTV Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan). Tuy nhiên, bà Đặng Thị Phương Ninh, Phó tổng giám đốc Vissan cho biết, đơn vị này chỉ nhập duy nhất lô bò 258 con của HAGL vào tuần trước Tết Nguyên đán. Sau đó, Vissan nhận thấy bò chưa đạt được quy chuẩn tối ưu để giết mổ (cụ thể là tỷ lệ thu hồi nạc thấp) nên đã ngưng nhập.

Tháng 5/2015, hai bên thanh lý hợp đồng cũ và dự kiến ký lại hợp đồng mới trong tháng 6/2015. Nhưng đến nay, phía HAGL chưa có động thái nào liên lạc để xúc tiến nối lại mối liên kết chăn nuôi và phân phối sản phẩm này. Cũng theo bà Ninh, việc thanh lý hợp đồng diễn ra bình thường và không bên nào phải đền bù.


(Theo Zing)