Ngày 27/6, Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tiến Thành - Hội Da liễu Việt Nam cho biết, từ đầu tháng 6 đến nay, anh đã tiếp rất nhiều bệnh nhân đến khám vì viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang, trung bình mỗi ngày 5- 7 ca, tăng đột biến gấp nhiều lần so với những tháng trước.

Một bé gái 8 tuổi, trú tại Hà Nội được mẹ đến khám trong tình trạng vùng nách trợt loét, nề đỏ, chảy dịch vàng. Bệnh nhi đau rát không ăn không ngủ được. Theo mẹ của bé, tổn thương mụn nước, rộp bỏng rát xuất hiện sau khi bé ngủ dậy.

Tổn thương đau rát khiến bệnh nhi khóc, sợ hãi và không dám giơ tay lên. Mẹ của bé cho biết 5 ngày trước con về quê chơi. Khi phát hiện tay con có tổn thương này, bố mẹ mua thuốc về uống và bôi, tắm bằng lá cây khiến tổn thương nhiễm khuẩn, lan rộng hơn, nguy cơ cao để lại vết thâm và sẹo vĩnh viễn. Ở vùng da nách dưới cánh tay, bác sĩ kiểm tra thấy trợt, nề đỏ, chảy dịch vàng... 

Kiến ba khoang là côn trùng chứa nhiều độc tố ở thân. Chất độc trong cơ thể kiến có thể làm tổn thương da người (bỏng da, viêm da). Khi bị chà xát hay bị giết, kiến giải phóng dịch lỏng coelomic có chứa paederin - một hóa chất gây phồng rộp da rất mạnh.

Triệu chứng ban đầu sẽ hơi ngứa rát, căng da, biểu hiện đỏ một vùng da, sau 6-12 giờ thành một đám hơi nề, đỏ cộm thành vệt, trên đó nổi những mụn nước to nhỏ không đều 1-5mm, 1-3 ngày sau thành phỏng nước phỏng mủ.  Bệnh có thể chẩn đoán nhầm là herpes, Zona, giời leo.

Do đó, điều tối kỵ là không được để dịch tiết của kiến ba khoang tiếp xúc với cơ thể. Nếu nhìn thấy kiến trên người thì không nên dùng tay không để đập mà tốt nhất nên có tờ giấy để kiến khoang bò ra giấy. 

Bác sĩ Thành khuyến cáo, người dân nên buông rèm cửa hoặc làm lưới ngăn côn trùng ở khu vực cửa, lỗ thông khí (nhất là nơi gần cây cối, cánh đồng…), ngủ trong màn. Bên cạnh đó, thường xuyên vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cỏ, giũ mạnh khăn mặt, quần áo trước khi dùng.

Khi đập kiến hoặc chà xát trên da, phải nhanh chóng rửa sạch nơi tiếp xúc bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý, xà phòng, tránh đưa tay đã tiếp xúc với kiến chạm vào các vùng da khác. Sau đó đến cơ sở y tế để khám kịp thời, không nên tự điều trị nhằm tránh các biến chứng nặng hơn.