Theo Sky News, là một trong những quốc gia đi đầu trong việc sử dụng điện hạt nhân, Phần Lan đang nhanh chóng xây dựng hầm chứa chất thải mang tên Onkalo. Căn hầm này được xây dựng ở độ sâu khoảng 400m, chạy dọc theo những cánh rừng của vùng Olkiluoto, sẽ đi vào hoạt động từ năm 2024.

Nhà máy điện hạt nhân Olkiluoto, cách hầm chứa chất thải Onkalo không xa. Ảnh: SN

Vì lí do an ninh, việc ghi lại hình ảnh về các cơ sở trên mặt đất của hầm chứa này không được cho phép. Tuy nhiên, phóng viên của Sky News đã được tham quan một hang ngầm, có chiều dài khoảng 5km. Theo chuyên gia địa chất Sanna Mustonen, hệ thống hang ngầm này được hình thành từ cách đây 2 tỷ năm, và giữ nguyên vẹn trạng thái cho tới tận ngày nay.

Hệ thống hang ngầm ở độ sâu 400m của Onkalo. Ảnh: SN

"Bản thân hệ thống hang ngầm rất ổn định, không có bất kỳ trận động đất hay địa chấn nào được ghi nhận trong lịch sử. Chúng tôi còn gia cố các vách đá bằng bê tông phun", bà Mustonen nói.

Ống đồng được dùng để chứa các thanh chất thải hạt nhân. Ảnh: SN

Ban quản lý dự án Onkalo cho biết, các thanh nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng sẽ được đưa vào các ống chứa lớn bằng đồng, rồi chuyển tới các lỗ chôn được đào sẵn từ trước trong hang ngầm. Mỗi lỗ chôn có thể chứa từ 30-40 ống đồng như vậy, sau đó được lấp đầy bằng bentonite (một loại đất sét hút nước). Cuối cùng, lỗ chôn được niêm phong hoàn toàn bằng bê tông, giữ cho các chất thải an toàn trong 10.000 năm.

Mô phỏng quá trình niêm phong một ống đồng chứa chất thải hạt nhân. Ảnh: SN

Theo tính toán sơ bộ, hầm Onkalo sẽ bị lấp đầy bởi 3.250 ống đồng trong thời gian 100 năm. Sau khi được lấp kín, căn hầm này sẽ bị niêm phong, cơ sở hạ tầng trên mặt đất sẽ được tháo dỡ, xóa bỏ hoàn toàn sự tồn tại của Onkalo. 

Một số nhà khoa học cho rằng, nguy cơ rò rỉ chất thải theo dòng nước vẫn có thể xảy ra, do các dấu vết trong quá trình thi công là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, ban quản lý Onkalo khẳng định, trường hợp này rất khó xảy ra. Ngay cả trong tình huống xấu nhất, chất thải rò rỉ sẽ mất vài thập kỷ để di chuyển lên mặt đất, nhưng lúc này nồng độ phóng xạ đã giảm tới mức không gây nguy hại.

Việt Dũng

>> Đọc thêm tin thế giới nhanh nhất trên VietNamNet