Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trần Hòa, Phó trưởng khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, có khoảng 20-25% dân số thế giới và Việt Nam bị tăng huyết áp. Như vậy, cứ 4-5 người sẽ có 1 người mắc căn bệnh này.
Mới đây, bác sĩ Hòa tiếp nhận điều trị cho anh N.N.S. (45 tuổi, Tiền Giang) bị tăng huyết áp kèm đái tháo đường. Anh S. phát hiện bệnh cách đây 2 năm và điều trị tại bệnh viện địa phương.
Khoảng 6 tháng qua, anh thường xuyên nhức đầu, chóng mặt và khó kiểm soát huyết áp, lên cân nhiều. Vì công việc bận rộn, anh S. thường quên uống thuốc, nhất là các cữ thuốc buổi chiều.
Để điều chỉnh huyết áp cho người bệnh, bác sĩ chỉ định anh S. uống thuốc vào buổi sáng, kết hợp thuốc mới, phối hợp nhiều tác dụng trong một viên thuốc.
Theo bác sĩ Hòa, mặc dù chẩn đoán rất đơn giản nhưng vẫn có khoảng 50% người bệnh không biết mình bị tăng huyết áp. Khoảng 50% người được chẩn đoán mắc tăng huyết áp nhưng chưa tuân thủ điều trị.
Nguyên nhân có thể vì tăng huyết áp hầu như không gây triệu chứng điển hình, người bệnh không uống thuốc hoặc không đủ liều, lối sống chưa phù hợp như có thói quen ăn mặn, thiếu vận động, thừa cân, béo phì...
Nếu không được phát hiện và điều trị hiệu quả, tăng huyết áp có thể gây nhồi máu cơ tim, xuất huyết não, nhồi máu não và nhiều biến chứng khác lên tim, mắt, thận, mạch máu…
Theo bác sĩ Hòa, hiện nay, nhiều người bệnh có thể chỉ cần dùng thuốc 1 lần/ngày. Trong cùng 1 viên thuốc có kết hợp nhiều công dụng, giúp kiểm soát huyết áp và giảm các yếu tố nguy cơ gây biến cố tim mạch, được gọi là viên thuốc phối hợp nhiều loại thuốc, liều cố định.
Người bệnh tăng huyết áp có kèm đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, bệnh thận mạn, thừa cân - béo phì… có thể là đối tượng có nguy cơ cao bị biến cố tim mạch. Vì vậy, người bệnh cần tái khám định kỳ các chuyên khoa liên quan để bác sĩ điều chỉnh các yếu tố đồng mắc này, giúp các chỉ số sức khỏe luôn ở mức ổn định, góp phần phòng ngừa các biến cố tim mạch một cách hiệu quả.
Ngoài ra, người bệnh cần chủ động đo huyết áp đúng cách tại nhà. Đây một phương pháp đơn giản và thuận tiện để theo dõi sức khỏe, góp phần kiểm soát huyết áp tốt hơn.
Bác sĩ Trần Hòa lưu ý người bệnh phải tuân thủ các nguyên tắc điều trị không dùng thuốc nhưng rất quan trọng. Cụ thể gồm: ăn nhạt, hạn chế tối đa lượng muối trong khẩu phần ăn, ăn hoa quả bổ sung lượng kali, giảm cân nếu thừa cân, tập luyện thể dục thường xuyên và mỗi ngày, tránh stress, giảm sử dụng đồ uống có cồn.
Để phát hiện sớm tăng huyết áp trong cộng đồng, người bình thường trên 18 tuổi cần đo huyết áp mỗi năm một lần. Đối với người đã được chẩn đoán tăng huyết áp, cần tuân thủ điều trị lâu dài theo chỉ định và chủ động đo huyết áp đúng cách.