Bà Lưu Thị Thanh Tâm (57 tuổi, Đồng Tháp) túc trực bên giường bệnh tại Khoa Chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã nhiều ngày. Con trai bà là anh L.T.L (20 tuổi) đang nằm bất động, cơ thể gầy gò và suy kiệt, phải mở khí quản, đặt ống sonde dạ dày.

Bà Tâm cho hay, anh L. phát hiện ung thư lưỡi giai đoạn 2 vào tháng 4/2022. Bệnh nhân được phẫu thuật và lấy da đùi tái tạo lưỡi. Sau đó, tiến hành xạ trị 22 tia, hóa trị 4 đợt. Tuy nhiên, chỉ trong vài tháng, căn bệnh diễn tiến nặng nề, di căn và hoại tử toàn bộ lưỡi, anh L. không thể ăn uống, nói chuyện.

Khi chuyển về Khoa Chăm sóc giảm nhẹ, bác sĩ đã kê thuốc morphin với liều lượng 6 lần/ngày để anh bớt đau và ngủ ngon hơn. “Bây giờ nó đau cũng không kêu được nữa. Bác sĩ nói tôi chuẩn bị tâm lý, con chỉ sống từ 3 tháng đến 6 tháng nữa thôi”, bà Tâm tâm sự. 

Anh L.T.L (20 tuổi) điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Ảnh: GL.

Đây không phải trường hợp trẻ tuổi duy nhất bị căn bệnh quái ác này hành hạ. Theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Khôi, Trưởng khoa Ngoại 6, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, ngày càng nhiều bệnh nhân trẻ tuổi bị mắc ung thư lưỡi đến đây điều trị. Trong đó, các bác sĩ ghi nhận một nam thanh niên 26 tuổi mắc ung thư lưỡi giai đoạn 4. 

Ban đầu, trên bờ lưỡi trái của bệnh nhân xuất hiện vết loét khoảng 1cm. Gần 4 tháng thăm khám, lấy thuốc ở bệnh viện địa phương, vết thương không lành, ngày càng lan rộng và gây đau vùng lưỡi.

Tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, các bác sĩ đã phẫu thuật cắt hơn nửa lưỡi và sàn miệng, nạo hạch cổ cho bệnh nhân. Sau đó, lấy da đùi để tái tạo lưỡi bằng vi phẫu tạo hình, hóa xạ trị kết hợp. Đến nay, bệnh nhân có thể nói và nuốt tương đối bình thường.

Theo bác sĩ Khôi, mỗi năm, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM tiếp nhận khoảng 300 trường hợp bị ung thư lưỡi. Căn bệnh đang có dấu hiệu trẻ hóa, khoảng 15% người bệnh dưới 40 tuổi trong khi trước đây, con số này là dưới 5%.

Thực tế, triệu chứng ung thư lưỡi thường không rõ ràng, ban đầu chỉ có một vết loét nhỏ. Sau đó, mức độ nặng tăng dần gây đau đớn, lưỡi cử động khó. Nhiều bệnh nhân trẻ tuổi có tâm lý chủ quan, cho rằng sức khỏe tốt nên khi chịu đến viện, ung thư lưỡi đã ở giai đoạn muộn. Ngoài ra, một số ca bị chẩn đoán nhầm sang viêm loét lưỡi thông thường ở bệnh viện địa phương. 

Đáng chú ý, ung thư lưỡi diễn tiến từ giai đoạn đầu đến giai đoạn cuối ở người trẻ từ 4-8 tháng. Khi ở giai đoạn cuối, tiên lượng sống sót của bệnh nhân khoảng 30-40%. 

Hiện chưa có kết luận về nguyên nhân khiến ung thư lưỡi trẻ hóa, cần có những nghiên cứu chuyên sâu hơn. Tuy nhiên, một số yếu tố nguy cơ được nghĩ đến như thói quen uống rượu và hút thuốc lá kéo dài, vệ sinh răng miệng kém, nhiễm virus khi quan hệ tình dục đường miệng, do gene… 

Theo bác sĩ Khôi, bệnh nhân ung thư lưỡi ăn uống rất bất tiện, vệ sinh răng miệng rất khó. Vì vậy, cơ thể dễ suy mòn, sụt cân. Khối bướu lở loét khiến bệnh nhân không dám đánh răng, tổn thương càng nặng hơn, mùi hôi rất khó chịu.

Dù nguyên nhân gây bệnh chưa rõ ràng, bác sĩ khuyến cáo người dân nên hạn chế sử dụng rượu và thuốc lá, cũng như chú ý vệ sinh răng miệng. Khi có triệu chứng bất thường lở loét miệng và lưỡi kéo dài, nên đi khám để được chẩn đoán và can thiệp sớm.

Về điều trị, người mắc ung thư lưỡi được phẫu thuật và tạo hình lưỡi, cơ bản phục hồi chức năng nói và nuốt. Ngoài ra, bệnh nhân có thể được kết hợp hóa và xạ trị tùy theo giai đoạn, tình trạng bệnh.

3 dấu hiệu ở lưỡi cảnh báo ung thư

3 dấu hiệu ở lưỡi cảnh báo ung thư

Sinh con được 3 tháng, chị H. thấy lưỡi có đốm loét nhưng chủ quan là nhiệt miệng. Khi vết loét lâu liền kèm theo đau tai, chị đi khám và nhận chẩn đoán ung thư lưỡi.