Thông tin trên được Phó giáo sư Vũ Văn Giáp, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết tại lễ Khai giảng 6 gói chuyển giao kỹ thuật thuộc Đề án 1816.

Bác sĩ Giáp cho biết, việc phát triển chuyên môn cho y tế tuyến dưới, các tỉnh miền núi khó khăn rất quan trọng, từ đó rút ngắn khoảng cách cấp cứu cho người bệnh. 

"Khi chúng tôi đi tiền trạm, đường sá vô cùng khó khăn. Nếu một bệnh nhân ở Điện Biên bị nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ cần cấp cứu gấp sẽ mất 13 tiếng di chuyển bằng ô tô xuống Hà Nội. Khi đó, họ mất cơ hội chữa trị bởi não đã 'thiu', nếu cứu sống được di chứng rất nặng nề. Vì vậy, chúng tôi đặt ra mục tiêu cấp cứu tại chỗ cho người bệnh, nhất là vùng đi lại khó khăn", bác sĩ Giáp chia sẻ. 

Từ sau dịch Covid-19, khoảng trống về hồi sức cấp cứu đã bộc lộ rõ. Vì vậy, lần đầu tiên ban lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai quyết định cấp học bổng cho bác sĩ, điều dưỡng về chuyên ngành này cho 9 tỉnh. Ê-kíp bao gồm cả bác sĩ và điều dưỡng đi học, từng bước được nâng cao chuyên môn, trình độ. Khi về cơ sở, họ đủ tự tin triển khai các hệ thống hồi sức cấp cứu ngay tại tỉnh nhà.

hoi suc cap cuu.png
Học viên đang theo học tại Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Phương Thúy.

Để triển khai hoạt động này, Bệnh viện Bạch Mai thành lập các nhóm cán bộ chỉ đạo tuyến để nắm được đề xuất, tâm tư nguyện vọng của các học viên giúp họ cả về chuyên môn và khó khăn trong quá trình học tập. Gói học bổng trị giá 6,6 tỷ đồng dành cho 160 người.

Trong ngày 29/5, Phó giáo sư Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đơn vị tổ chức khai giảng 6 gói chuyển giao kỹ thuật thuộc các chuyên khoa: Chống độc, Tiêu hóa - Gan mật và Nhi khoa dành cho 99 bác sĩ, điều dưỡng công tác tại 45 cơ sở y tế thuộc phạm vi chỉ đạo tuyến của bệnh viện.

Theo Phó giáo sư Cơ, ngành y đã có nhiều giải pháp để khắc phục khó khăn về tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực tại các bệnh viện miền núi phía bắc. Bệnh viện Bạch Mai đưa đội ngũ cán bộ chuyên môn có trình độ và các dịch vụ y tế chuyên sâu về tận cơ sở giúp cho khoảng cách chất lượng dịch vụ y tế ngày càng thu hẹp. Năm 2024, Bệnh viện được Bộ Y tế cấp kinh phí 4 tỷ đồng để triển khai các hoạt động chỉ đạo tuyến, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ chuyên môn, khám chữa bệnh từ xa... thực hiện Đề án 1816. 

Ban lãnh đạo bệnh viện khẳng định tất cả những gì đơn vị học được từ quốc tế sẽ chuyển giao hết cho tuyến dưới. Bệnh viện đang triển khai thí điểm đào tạo chuyên khoa 1 và chuyên khoa 2 nội trú, cung cấp nhân lực y tế chất lượng cao cho các cơ sở y tế.

Mỗi năm, Bệnh viện Bạch Mai khám và tiếp nhận hơn 1 triệu lượt bệnh nhân. Sau 25 năm triển khai Chỉ đạo tuyến, theo ước tính, có 400.000 nhân viên y tế trong cả nước đã được học nghề tại đây. Bệnh viện hiện có 80 giáo sư, phó giáo sư, 300 tiến sĩ hoặc tương đương, 800 bác sĩ, 200 dược sĩ đều là nhân lực có chuyên môn cao, góp phần vào công tác đào tạo đội ngũ bác sĩ y tế tuyến cơ sở.