Hoàn thành trước thời hạn
Chiều ngày 1/11/2024, Bệnh viện Bạch Mai chính thức bấm nút triển khai áp dụng Hệ thống Bệnh án điện tử trên toàn đơn vị, sau gần 1 năm xây dựng cơ sở dữ liệu chuyển đổi số và 4 tháng triển khai thử nghiệm.
Bệnh án điện tử là một trong nhiều mục tiêu chiến lược chuyển đổi số y tế quốc gia của Chính phủ và Bộ Y tế. Đây là một bước tiến đột phá trong việc hiện đại hóa quy trình chăm sóc sức khỏe, quản lý hồ sơ y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và cải thiện trải nghiệm của người bệnh.
Theo Phó giáo sư Vũ Văn Giáp – Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, trong quá trình triển khai chuyển đổi số, bệnh án điện tử, đơn vị cũng gặp nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, thiết bị, nguồn nhân lực. Cụ thể, máy móc, đường truyền, máy chủ đều cũ, chậm, băng thông thấp. Bệnh viện đang sử dụng rất nhiều phần mềm không liên thông kết nối và chưa có phần mềm phục vụ công tác quản lý điều hành.
Nhân lực thực hiện triển khai thì chưa có chuyên môn cao, đội ngũ mỏng. Tuy nhiên, với sự quyết tâm cao độ của tập thể toàn Bệnh viện Bạch Mai, Ban lãnh đạo bệnh viện với sự hỗ trợ tích cực của các đồng nghiệp các đơn vị bạn, các chuyên gia của Bộ Y tế, Bộ Công An, Cục Công nghệ thông tin, công tác chuyển đổi số của Bệnh viện Bạch Mai đã thành công bước đầu. Đến nay, việc áp dụng bệnh án điện tử được thực hiện sớm hơn 2 tháng so với kế hoạch đề ra.
Quá trình thực hiện bệnh án điện tử tại Bệnh viện Bạch Mai diễn ra nhanh chóng. Cụ thể, hồi tháng 5/2024, bệnh viện bắt đầu rà soát các quy định để tiến hành triển khai bệnh án điện tử. Đến ngày 01/7/2024, Bệnh viện là một trong số ít những Bệnh viện tuyến Trung Ương trích chuyển liên thông thành công dữ liệu lên cổng BHXH theo Quyết định 4750/QĐ-BYT.
Giữa tháng 7/2024, Bệnh viện Bạch Mai đã tiến hành triển khai thí điểm Bệnh án điện tử tại 6 đơn vị. Sau khi đánh giá quá trình thí điểm thành công, Bệnh viện Bạch Mai đã tiến hành rà soát lại 1 lần nữa, và đến ngày 11/10/2024 đã tiến hành triển khai bệnh án điện tử trên phạm vi tất cả các đơn vị.
Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai nhận thấy, việc thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử thay thế hồ sơ bệnh án giấy là khả thi, mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh và cán bộ y tế. Trước đó, ngày 20/09/2024, Bệnh viện Bạch Mai cũng được Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ chọn đưa vào chương trình trọng điểm chuyển đổi số, tạo nền tảng triển khai trên toàn quốc.
Lợi ích của bệnh án điện tử
PGS. TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Bệnh viện Bạch Mai hiện có 57 đơn vị với quy mô 3.600 giường bệnh và hơn 4.000 cán bộ và nhân viên y tế đang phục vụ công tác. Hàng ngày, bệnh viện tiếp nhận 7.000 - 10.000 người bệnh đến khám ngoại trú và khoảng 4.000 bệnh nhân điều trị nội trú.
Với trình độ của cán bộ và nhân viên y tế được đào tạo bài bản, sử dụng được công nghệ thông tin, nên việc triển khai bệnh án điện tử vô cùng thuận lợi, khả thi. Công tác quản lý chi phí cũng như dữ liệu trở nên dễ dàng cho các bác sĩ tra cứu, xem xét hồ sơ bệnh án, hỗ trợ tốt quá trình chẩn đoán điều trị bệnh. Việc liên thông thông tin, bệnh cảnh của người bệnh giữa các khoa phòng hay các cơ sở y tế cũng đơn giản hơn, góp phần hạn chế các sai sót nghiệp vụ.
Theo số liệu của Bộ Y tế, tính đến 1/11/2024, trên cả nước đã có 106 bệnh viện, cơ sở y tế triển khai bệnh án điện tử, trong đó Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh hạng đặc biệt đầu tiên. Theo đánh giá của Bộ Y tế, bệnh án điện tử mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân cũng như cán bộ y tế. Cụ thể:
-Tiết kiệm thời gian: Người bệnh có thể đăng ký lịch khám qua điện thoại hoặc ứng dụng di động, giúp giảm thiểu thời gian chờ đợi tại bệnh viện.
-Quản lý thông tin hiệu quả: Thông tin của người bệnh sẽ được lưu trữ và quản lý một cách đồng bộ, giúp bác sĩ dễ dàng truy cập và theo dõi lịch sử khám chữa bệnh.
-Giảm chi phí: Việc không cần in giấy tờ và phim chụp sẽ giúp tiết kiệm chi phí cho cả bệnh viện và người bệnh. Dự kiến, việc này có thể tiết kiệm hàng chục tỷ đồng mỗi năm cho ngân sách y tế.
-Liên thông dữ liệu: Hệ thống sẽ cho phép liên thông kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở y tế, giảm thiểu việc làm lại các xét nghiệm không cần thiết.
-Công tác Bảo hiểm xã hội được nâng cao tính minh bạch và hiệu quả trong quản lý chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, giảm thiểu thủ tục hành chính và rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ.