Theo tờ Mainichi của Nhật Bản, bà Hiroko Hatagami vốn là người thất nghiệp sống ở thành phố Matsudo thuộc tỉnh Chiba của Nhật Bản. Bà đã bị bắt vào ngày 13/7 trước nghi ngờ cản trở hoạt động của sở cứu hỏa địa phương. 

Cảnh sát tỉnh Chiba cáo buộc bà Hatagami liên tục thực hiện các cuộc gọi khẩn cấp bằng điện thoại di động, và nhiều phương tiện khác từ nhà của bà này, và các địa điểm trong khu phố sinh sống. 

Quá cô đơn, người phụ nữ đã gọi hơn 2.700 cuộc quấy rối đường dây khẩn cấp. Ảnh minh họa

Trong một số cuộc gọi, bà Hatagami đã nói dối về tình trạng sức khỏe như bị đau bụng dữ dội, dùng thuốc quá liều, và đau chân.

Từ tháng 8/2020 – 5/2023, bà liên tục yêu cầu Sở Cứu hỏa Matsudo cử xe cứu thương tới hỗ trợ. Nhưng khi xe tới nơi, bà này lại từ chối được chăm sóc y tế, hoặc phủ nhận bản thân đã gọi điện cầu cứu.  

Theo tờ Mainichi, cả sở cứu hỏa và đồn cảnh sát địa phương đã nhiều lần cảnh báo bà Hatagami dừng thực hiện các cuộc gọi làm phiền phức. Tuy nhiên, bà này vẫn tiếp tục làm như vậy.

Bộ phận dịch vụ khẩn cấp đã gửi đơn khiếu nại tới cảnh sát vào ngày 20/6, và sau đó bà Hatagami bị bắt giữ.

Bà Hatagami đã thừa nhận các cáo buộc, và khai với cơ quan điều tra rằng hành động của mình xuất phát từ mong muốn có bạn.

"Tôi cô đơn, muốn ai đó lắng nghe và quan tâm đến tôi", bà nói.

Đây không phải là lần đầu tiên Nhật Bản bắt giữ đối tượng thực hiện hàng nghìn cuộc gọi quấy rối đến các đơn vị khẩn cấp. Vào năm 2013, cảnh sát Nhật Bản đã bắt một phụ nữ vì thực hiện hơn 15.000 cuộc gọi trong khoảng 6 tháng. Theo tờ Straits Times, người này đã gọi 927 cuộc cho cảnh sát chỉ trong một ngày. Cảnh sát đã đến nhà người phụ nữ khoảng 60 lần trước khi tiến hành bắt giữ.