Catharine Esther Beecher, một nhân vật nổi bật trong nền giáo dục Mỹ thế kỷ 19, đi tiên phong trong việc trao quyền và gia tăng khả năng tiếp cận nền giáo dục có chất lượng cho phụ nữ.

hinh-2-1-1.png
Catharine Esther Beecher là một trong những biểu tượng đấu tranh cho quyền được giáo dục toàn diện của phụ nữ Mỹ.

Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống ở ngôi làng East Hampton, TP New York, Mỹ vào năm 1800, Catharine là con cả trong số 9 người con của Lyman Beecher, một mục sư và nhà truyền giáo nổi tiếng. 

Gia đình Beecher là một gia đình nổi tiếng vào thế kỷ 19 và được biết đến với những đóng góp to lớn cho lĩnh vực tôn giáo, giáo dục và cải cách xã hội Mỹ. Các thành viên nổi tiếng bao gồm mục sư nổi tiếng Lyman Beecher, Harriet Beecher Stowe- tác giả cuốn "Túp lều bác Tôm” và những nhân vật khác có tác động đáng kể đến thần học, cải cách xã hội và quyền phụ nữ ở Mỹ. Ảnh hưởng của gia đình Beecher đã góp phần định hình nền văn hóa và lịch sử Mỹ trong thời đại đó.

Khi Catharine lên 9 tuổi, gia đình chuyển đến Litchfield, Connecticut, nơi bà theo học tại Học viện Nữ sinh Litchfield. Tuy nhiên, bà đã phải tự học những môn như Toán, Tiếng Latinh hay Triết học- vốn không được dạy cho nữ giới. 

Bi kịch gia đình ập đến. Năm Catharine 16 tuổi, mẹ qua đời vì bệnh lao và bà bắt đầu thay mẹ quán xuyến việc gia đình. 

Chính trong thời gian này, Catharine đã bắt đầu gánh vác trách nhiệm và cảm nhận được sự cao quý của tình mẫu tử, điều mà bà sẽ không bao giờ có cơ hội trải qua trong cuộc đời.

Năm sau, cha bà kết hôn với người khác và sinh ra 3 con trai và 1 con gái. Anh chị em Catharine đều là những người tài giỏi và được lịch sử ghi nhận.

Năm 1822, bà phải trải qua bi kịch lớn nhất cuộc đời khi chồng sắp cưới, giáo sư và nhà toán học ĐH Yale Alexander Fisher qua đời trong vụ đắm tàu ​​Albion ngoài khơi bờ biển Ireland, ngay trước thời điểm tổ chức lễ cưới, theo thông tin Website Bảo tàng Lịch sử Phụ nữ Quốc gia Mỹ.

Bị tàn phá tâm lý nặng nề, Catharine “thề sẽ sống cùng với ký ức của Fisher”. Bà lựa chọn không kết hôn mà dựa vào tình thương với các đứa em để đương đầu với sự mất mát. Vượt qua cú sốc, Catharine cống hiến hết cả cuộc đời mình cho giáo dục, ủng hộ sự tiến bộ về trí tuệ và xã hội của phụ nữ Mỹ. 

Thách thức chuẩn mực truyền thống

Năm 1821, Catharine thành lập Chủng viện Nữ Hartford ở Hartford, bang Connecticut (sau này là ĐH Hartford) và trở thành nữ hiệu trưởng ĐH đầu tiên của Mỹ. 

Tổ chức này ra đời đánh dấu một thời điểm quan trọng trong lịch sử giáo dục phụ nữ ở Mỹ. Không giống như các trường học truyền thống thời đó, chủng viện của bà cung cấp một chương trình giảng dạy toàn diện bao gồm Toán học, Khoa học, Triết học và các môn học khắt khe khác vốn chỉ dành cho nam giới.

hinh-3-1-1-1.png
Tòa nhà Chủng viện Nữ Hartford.

Thách thức ý niệm khi ấy rằng phạm vi ảnh hưởng của phụ nữ chỉ là mái ấm gia đình, Catharine đã nâng tầm chủ nghĩa nữ quyền.

Theo bà, nam và nữ đều bình đẳng. Nếu phụ nữ thuộc về gia đình và đàn ông thuộc về thế giới, phụ nữ cũng phải được giáo dục về cách nuôi dạy con cái, kinh tế gia đình và các mối quan tâm khác có giá trị như những gì đàn ông nhận được trong luật, y học hoặc kinh doanh.

Cách tiếp cận của Catharine thách thức những quan niệm phổ biến rằng phụ nữ chủ yếu phù hợp với vai trò nội trợ, khẳng định niềm tin của bà vào năng lực trí tuệ của phụ nữ.

Catharine cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của các nhà giáo dục trong việc hình thành tư duy của thế hệ tương lai. Bà không mệt mỏi ủng hộ việc chuyên nghiệp hóa giảng dạy, nhấn mạnh sự cần thiết phải đào tạo nghiêm ngặt và hiểu biết sâu sắc về phương pháp sư phạm. Những nỗ lực của bà đã mở đường cho việc thiết lập các chương trình đào tạo giáo viên chính thức.

hinh-1-1-1.png
Catharine không bao giờ kết hôn và dựa vào các em để vượt qua nỗi mất mát.

Tại TP Cincinnati (bang Ohio), bà thành lập trường nữ sinh thứ 2 Viện Phụ nữ Phương Tây nhưng đóng cửa sau một thời gian do thiếu hỗ trợ tài chính trong cuộc suy thoái kinh tế 1837.

 Năm 1852, Catharine Beecher đồng sáng lập Hiệp hội Giáo dục Phụ nữ Mỹ. Tổ chức này đã thành lập các cơ sở giáo dục đại học đầu tiên cho phụ nữ ở các bang Illinois, Wisconsin và Iowa.

Ngoài vai trò là một nhà giáo dục, Catharine Beecher còn là một nhà văn xuất sắc. Các tác phẩm có ảnh hưởng của bà, bao gồm “Chuyên luận về kinh tế nội địa” (1841) và “Chuyên luận về giáo dục nội địa” (1843), đưa ra những quan điểm sâu sắc về quản lý hộ gia đình, lối sống lành mạnh và giáo dục phụ nữ trẻ. 

Các bài viết của Catharine đã cung cấp những lời khuyên thiết thực đồng thời ủng hộ sự phát triển trí tuệ và đạo đức của phụ nữ, củng cố niềm tin của bà vào khả năng đóng góp có ý nghĩa cho xã hội của họ.

Catharine Beecher có tầm nhìn xa trong việc nhận ra tầm quan trọng của giáo dục thể chất và sức khỏe tổng thể, đặc biệt đối với phụ nữ. Vào thời điểm mà những mối quan tâm như vậy thường bị bỏ qua, bà nhấn mạnh lợi ích của việc tập thể dục thường xuyên, dinh dưỡng hợp lý và lối sống cân bằng. 

Ảnh hưởng của Catharine Esther Beecher đối với giáo dục và trao quyền cho phụ nữ tiếp tục để lại tác động lớn trong lịch sử Mỹ đương đại. Những nỗ lực tiên phong của bà đã đặt nền móng cho các thế hệ phụ nữ tiếp theo theo đuổi trình độ học vấn cao hơn và sự nghiệp chuyên môn. 

Di sản của Catharine vượt ra ngoài các bức tường của Chủng viện Nữ Hartford, ảnh hưởng đến phong trào rộng lớn hơn, góp phần thay đổi cục diện quyền và cơ hội của phụ nữ ở Mỹ cũng như toàn cầu.

Di sản của bà truyền cảm hứng cho các thế hệ phụ nữ và các nhà giáo dục, nhắc nhở về sức mạnh biến đổi to lớn của giáo dục và tinh thần bất khuất của những người dám thách thức những chuẩn mực thông thường.

Tử Huy