Năm 2016, Đỗ Thanh Vân, người được mệnh danh là thần đồng của tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc), đã trúng tuyển vào Trường Quản lý Quang Hoa của Đại học Bắc Kinh với số điểm 704 điểm, đứng thứ hai toàn tỉnh. 

Bất chấp sự phản đối của gia đình, 3 năm sau, chàng trai quyết định bỏ học, quay trở về quê hương ở Trương Gia Giới, Hồ Nam. Câu chuyện đằng sau dần được hé lộ.

Ngay từ nhỏ, Đỗ Thanh Vân đã bộc lộ năng khiếu học tập. Bố anh là công chức còn mẹ là giáo viên cấp 2. Gia đình đặt nhiều kỳ vọng vào tương lai của đứa trẻ này. 

hoc sinh 1.jpg
Đỗ ngành quản lý Bắc Đại, thần đồng Đỗ Thanh Vân sống theo định hướng của cha mà không biết bản thân mình thích gì. 

Với cuộc sống được định sẵn, điểm số trở thành yếu tố quyết định sự thành-bại của Thanh Vân. Kỳ vọng của gia đình đã khiến chàng trai luôn phải cố gắng hết sức để luôn đứng đầu. Thanh Vân theo đuổi các kỳ thi và việc đạt điểm cao đã trở thành thói quen.  

Chàng trai cũng tự trừng phạt mình bằng cách nhịn ăn nếu không đạt được mục tiêu. Sống trong môi trường điểm số được đặt lên hàng đầu, Đỗ Thanh Vân không còn thời gian để suy nghĩ xem mình muốn gì và ước mơ của mình là gì.

Chàng trai vào cấp 3 năm 14 tuổi và thi tuyển sinh đại học năm 16 tuổi. Thanh Vân trở thành hình mẫu "con nhà người ta".

Thần đồng ‘chạm đáy’

Năm 2016, anh được nhận vào Đại học Bắc Kinh. Thanh Vân trở thành niềm tự hào của cả dòng họ và vùng quê.

Tuy vậy, trên thực tế, chàng trai không hề có tiếng nói trong việc lựa chọn chuyên ngành. Thay vào đó, bố đã đưa ra quyết định cho Thanh Vân với mong muốn con trai sau khi tốt nghiệp sẽ nhận được mức lương hàng trăm nghìn nhân dân tệ mỗi năm.

Tuy nhiên, sau khi vào Đại học Bắc Kinh, Thanh Vân đã nhìn thấy một thế giới khác và phải vật lộn trong đó suốt 3 năm. Chàng trai không thể hòa nhập được trong môi trường mới, tin người nên bị lừa tiền. 

Cố gắng hòa nhập với bạn cùng lớp, Thanh Vân bỏ ra khoản tiền lớn để mua một chiếc máy chơi game, nhưng đã bỏ ngay say đó. Không thích chuyên ngành, anh không thể xác định được mục tiêu và tương lai của mình, đồng thời bắt đầu thất bại trong việc học tập. 

Chàng trai bị ám ảnh bởi các trò chơi trực tuyến, buông bỏ bản thân và trở thành một thiếu niên nghiện Internet. Đỗ Thanh Vân đã trải qua 3 năm đặc biệt khó khăn trong ký túc xá. 

"Tôi không muốn tiếp xúc với bất kỳ ai và thậm chí còn không muốn đến lớp. Tôi ở trong ký túc xá chơi game cả ngày lẫn đêm, cho đến khi cảm thấy vô cùng buồn chán và vẫn không đủ dũng khí để quay trở lại thế giới thực".

Đến học kỳ thứ hai của năm thứ hai, anh đã trượt đến 5 môn học. "Ngay cả khi tôi ép mình mở sách ra, tôi cũng không thể đọc được một từ nào và thậm chí tôi còn không thể vượt qua kỳ thi lại", theo The Paper.

hoc sinh 2.jpg
 Chàng trai Hồ Bắc đã quyết định ‘làm lại’ cuộc đời với quyết định bỏ học. 

Trước kỳ nghỉ hè, chàng trai trở về Hồ Nam sớm và đến bệnh viện kiểm tra. Bác sĩ chẩn đoán Thanh Vân mắc chứng trầm cảm.

Sau đó, việc học hành lao dốc và áp lực tinh thần, Đỗ Thanh Vân xin rút khỏi Đại học Bắc Kinh. Tin niềm tự hào của cả làng bỏ học lan truyền nhanh chóng, nhiều người cười nhạo và chế giễu gia đình ông Đỗ.

Sau khi trở về quê hương, Đỗ Thanh Vân sống khép kín, không muốn giao tiếp với người xung quanh. Anh ở trong phòng một mình và nhìn nhận lại bản thân mình trong suốt 3 năm đại học.

Thỉnh thoảng anh nghe thấy mẹ nói rằng bố bị chế giễu ở nơi làm việc: "Con trai của ông bà không tốt lắm sao? Tại sao nó lại bỏ học Đại học Bắc Kinh?".

Năm 2020, Đỗ Thanh Vân quyết định quay trở lại, một lần nữa bước vào phòng thi đại học và đạt 718 điểm, giành danh hiệu quán quân khoa học Hồ Nam. Lần này, anh chọn Trường Nhân văn thuộc Đại học Thanh Hoa- trường top đầu châu Á và nhận được số tiền thưởng 500.000 NDT (khoảng 1,79 tỷ đồng).

Với hy vọng rằng sau khi học các khóa học tổng quát trong một năm, anh sẽ chọn được hướng đi chuyên ngành chính trị và kinh tế mà bản thân quan tâm.

Chỉ trong 4 năm, Thanh Vân đã lần lượt ghi tên vào Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa- 2 trường danh giá số 1 Trung Quốc và châu Á, với số điểm đáng ngưỡng mộ. Dù bỏ dở giữa chừng, chàng trai Hồ Nam đã kịp thời có quyết định thay đổi cuộc đời.  

Câu chuyện của Đỗ Thanh Vân một lần nữa chứng minh quan điểm sai lầm phổ biến là "chỉ cần vào đại học tốt là thành công". Đây còn là lời nhắc nhở tới tất cả các bậc cha mẹ muốn hy vọng con mình thành công: Ngoài điểm số, con còn có nhiều điều quan trọng hơn để theo đuổi.

Tử Huy