Ngày 16/4, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã đi kiểm tra tình hình triển khai Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Báo cáo với Bí thư Thành ủy Hà Nội, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, đến nay, các quận đã di dời gần như toàn bộ các hộ dân ra khỏi 6 tòa chung cư nguy hiểm. Tuy nhiên, chưa đơn vị nào hoàn thành lập quy hoạch chung cư cũ trên địa bàn thành phố.
Theo ông Võ Nguyên Phong, quá trình cải tạo chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội không đạt tiến độ đề ra do vướng mắc về quy hoạch. Cụ thể, nhiều vị trí nhà chung cư cũ quy hoạch xác định là khu cây xanh, công viên; chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc thấp 1 - 5 tầng, dân số hiện trạng cao hơn dân số quy hoạch.
“Do bị hạn chế bởi số tầng cao công trình, dân số theo quy hoạch nên rất khó đảm bảo tính hiệu quả đầu tư, không hấp dẫn các nhà đầu tư”, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong nói.
Cùng vấn đề trên, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Xuân Lưu cho biết, từ năm 2022, thành phố đã cấp ngân sách cho các quận, huyện để kiểm định, quy hoạch chung cư cũ. Do vậy, tiến độ kiểm định chất lượng chung cư cũ đã được đẩy mạnh.
“Cơ quan chuyên môn của thành phố đang xây dựng tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư xây dựng chung cư cũ. Nếu làm xong quy hoạch và được sự đồng thuận của nhân dân, dự án sẽ được triển khai ngay”, ông Nguyễn Xuân Lưu nói.
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, khi có đề án cải tạo chung cư cũ, nhiều việc đã được triển khai tương đối tích cực, nhưng vẫn rất chậm so với tiến độ.
“Nguyện vọng của người dân đều muốn có nhà mới, được lên khu mới ở. Nhưng với tiến độ như hiện nay thì có phải trách nhiệm là của chúng ta không?”, ông Dũng đặt vấn đề.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội nhấn mạnh, yêu cầu cải tạo chung cư cũ là vô cùng cấp thiết. Tuy nhiên, nếu dàn hàng ngang ra làm thì không đủ nguồn lực. Vì thế phải chọn trọng tâm, trọng điểm để làm.
Ông Dũng nhấn mạnh, trong quá trình thực hiện đề án, nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định của pháp luật đã được thành phố kiến nghị và được cấp có thẩm quyền tháo gỡ.
Cụ thể, Luật Nhà ở sửa đổi cũng đã tiếp thu một số nội dung tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho việc cải tạo chung cư cũ. Thành phố cũng đã có nhiều nội dung kiến nghị trong Luật Thủ đô (sửa đổi) để có cơ chế phù hợp giải quyết cải tạo chung cư cũ.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội đề nghị chọn quận Ba Đình để tạo bước đột phá trong vấn đề cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thành phố. Việc cần làm là lên kế hoạch cụ thể về tiến độ của từng công việc, đặt mục tiêu cuối năm nay nhà đầu tư khởi công được dự án.
Theo ông Dũng, các cấp ngành cần loại bỏ những vấn đề “tự mình cản chân mình” để cải tạo chung cư cũ. Do vậy, việc lập quy hoạch xây dựng chung cư cũ cần nhìn tổng thể để có thể có những diện tích làm trường học, công viên, tăng diện tích cây xanh phục vụ đời sống người dân.
Nhắc lại quan điểm “những gì cứng nhắc thì nên bỏ, cần sự mềm dẻo, thông thoáng”, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh trách nhiệm của mỗi cán bộ, lãnh đạo sở, ngành thành phố trong quá trình thực hiện công việc được giao.
“Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Còn nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5 năm, 10 năm hay 15 năm sau nó vẫn thế thôi, không làm được”, ông Dũng kết lại buổi làm việc.