Phát biểu tại cuộc làm việc giữa lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp (DN) sáng 3/7, Bí thư thành ủy Đinh La Thăng cho rằng, mục tiêu thành phố có 500.000 DN vào 2020 là không hề viễn vông, mơ hồ nếu có quyết tâm.

“Thành phố đưa ra mục tiêu tới năm 2020 có 500.000 DN là không hề viển vông, không mơ hồ một khi quyết tâm thì mục tiêu rất rõ ràng, có thể thực hiện được".

Theo Bí thư Thăng, 1 tháng thành phố có 3.000 DN lập mới, phải làm sao đẩy con số này lên, song song với đó là kéo giảm DN không hoạt động xuống. Thành phố sẽ tạo điều kiện chuyển 250.000 hộ kinh doanh cá thể thành DN, ít nhất cũng phải được một nửa.

Cả nước phấn đấu tới 2020 có 1 triệu DN thì TP. Hồ Chí Minh với vai trò đầu tàu cũng “góp” 500.000, ông Thăng nói.

{keywords}

Ông Đinh La Thăng khẳng định TP sẽ tạo mọi điều kiện cho DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng khẳng định, thành phố sẽ luôn đồng hành, chia sẻ và tạo mọi điều kiện để giúp các DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Thành phố sẽ tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, phân cấp phân quyền cho các sở ngành, quận huyện với tinh thần “rõ người, rõ việc, rõ thời gian” kích thích DN vươn lên. DN làm tốt phải được tôn vinh.

Ông Thăng cam kết, bộ máy chính quyền sẽ phục vụ DN vô điều kiện. Hiện các sở ngành, quận huyện đang chuyển biến để phục vụ DN tốt hơn. Tuy nhiên, trong thời gian ngắn thì chưa thể như mong muốn nên cần thêm thời gian.

Cũng tại buổi làm việc này, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong bày tỏ mong muốn của thành phố tới năm 2020 sẽ có 500.000 DN hoạt động, trong đó có những DN khẳng định được thương hiệu thị thường ở khu vực và thế giới.

Theo ông Phong, TP. Hồ Chí Minh hiện có hơn 270.000 DN đăng ký nhưng thực chất chỉ có 170.000 DN đóng thuế. Trong khi ở các nước phát triển cứ 20 dân có 1 DN, xét theo điều kiện TP có 12 triệu dân, mình phấn đấu tới năm 2020 có 500.000 DN thì có cơ sở không?.

Lotte vào nước ta có 12 trung tâm siêu thị nhưng họ đặt mục tiêu tới năm 2020 có 50 trung tâm thương mại, ông Phong nêu ví dụ và tin tưởng rằng nếu có chiến lược rõ ràng các DN trong nước sẽ vươn tầm khu vực, thế giới.

Tuy nhiên, ngay tại cuộc họp sáng nay, các DN cũng đã nêu ra nhiều khó khăn cản trở hoạt động của DN. Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP.Hồ Chí Minh cho rằng, mục tiêu tới năm 2020 có 500.00 DN là con số mơ hồ, khó thực hiện.

{keywords}

Thành phố có tiềm năng phát triển nhưng cơ chế chính sách nào để phát huy tiềm năng này đó là một câu hỏi lớn.

Thống kê của VCCI, hiện nay các DN của thành phố đang dần “li ti”, vốn và doanh thu chia cho đầu DN nhỏ dần. Theo ông này, không nên đặt mục tiêu nhiều DN bởi càng nhiều thì càng cạnh tranh nhau, mà phải làm sao cho DN lớn mạnh, vươn tầm quốc tế.

Ông Anh cũng nêu ra bất cập. “Tôi cần văn bản của 1 sở, theo quy trình thì 5 ngày sẽ có nhưng nếu nó liên quan tới ý kiến của quận huyện thì mất 5 tuần lễ mới có. Cứ chạy từ sở về quận huyện và ngược lại tốn nhiều thời gian”. Vì thế, cần có cơ sở dữ liệu để giúp các DN rút ngắn thời gian. Chính quyền nên tạo điều kiện cho DN yên tâm sản xuất chứ không nên tái diễn việc “thỉnh thoảng ra 1 văn bản yêu cầu việc này việc kia” làm DN “bất an”.

Ông Nguyễn Lộc - Tổng Giám đốc Công ty CP Dây Cáp điện Việt Nam cũng ghi nhận tham vọng của TP khi muốn có 500.000 DN. Tuy nhiên, ông cũng nghi ngờ bởi từ đây tới năm 2020 chỉ còn 4 năm, thực tế là rất khó.

Phía Tổng Cty cơ khí GTVT Sài Gòn đề nghị Chính phủ, TP phải có chiến lược phát triển thị trường, nguồn nguyên, vật liệu trước khi muốn các DN phát triển về quy mô và chất lượng sản phẩm.

Để đạt được mục tiêu 500 ngàn DN, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đặt vấn đề: Các sở, ban ngành phải làm thế nào để giúp DN? Qua đó thúc đẩy quy mô DN phát triển, huy động nguồn lực trong dân, trong DN nhiều hơn. Ta thường nói thành phố có tiềm năng phát triển nhưng cơ chế chính sách nào để phát huy tiềm năng này đó là một câu hỏi lớn đặt ra cho thành phố và các DN.

Bên cạnh đó, các cấp ban ngành phải làm gì để 5 nhóm giải pháp do Chính phủ đưa ra nhằm cải cách hành chính; tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ các DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo…có hiệu quả với các DN.

TP.HCM chi 1.000 tỉ hỗ trợ DN khởi nghiệp

Ông Phong còn cho biết, TP. Hồ Chí Minh sẽ bố trí 1.000 tỉ để hỗ trợ cho các DN khởi nghiệp. Thành phố cũng kiến nghị đưa nội dung khởi nghiệp vào chương trình đào tạo của các trường đại học, trước hết là các trường đại học tư thục do thành phố quản lý.

“Các quốc gia đã sản sinh ra tập đoàn hàng đầu thế giới thì họ đã có tinh thần khởi nghiệp từ thời tiểu học” - ông Phong nói.

Văn Đức