Chiều 15/1, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã nghe Ban Chỉ đạo, Ban Điều hành, Tổ Giúp việc báo cáo về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội qua thời gian gần 6 tháng.
Góp ý tại buổi sơ kết, TS. Trần Du Lịch khẳng định, chưa bao giờ Trung ương giao cho TP.HCM một chủ trương lớn như Nghị quyết 98, cũng chưa bao giờ cả hệ thống chính trị triển khai với quyết tâm mạnh mẽ như khi thực hiện nghị quyết này.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã cho thấy tính đồng bộ chưa cao. Cụ thể, Nghị quyết 98 giao cho thành phố quyền quyết định, nhưng có nhiều nội dung vẫn làm theo quy trình, thủ tục nên gặp nhiều vướng mắc.
Theo TS. Trần Du Lịch, bộ máy thành phố đang giải quyết các tồn đọng cũ, nay thêm phần việc triển khai nghị quyết mới thì cái khó nhất là cần một quyết tâm mới hơn.
Do đó, ông đề nghị các sở, ngành cần sáng tạo để vận dụng nội dung của Nghị quyết 98 vào việc xử lý các tồn đọng hiện nay, bên cạnh triển khai những nội dung mới. Bởi vì, các tồn đọng cũ đang gây cản trở cho cái mới.
Ông Lịch cũng lưu ý, TP.HCM cùng với Chính phủ phải nghiên cứu, ban hành một khung pháp lý chung, rõ ràng và minh bạch. Khi có khung pháp lý, việc triển khai Nghị quyết 98 thuận lợi hơn và cán bộ thực hiện cũng yên tâm thực thi công vụ.
Về các nội dung mới như triển khai TOD (các khu đô thị dọc các dự án giao thông lớn), tín chỉ carbon… ông Lịch cho rằng, không nên cầu toàn nhưng phải chọn mô hình thí điểm trong năm 2024. Đối với TOD, ông đề xuất chọn ngay một vài dự án thí điểm, sau khi thành công thì lan tỏa rộng hơn.
Ông Lịch nhận định, trong vài năm tới, tín chỉ carbon sẽ trở thành công cụ bảo hộ mậu dịch, phi thuế quan… nếu TP.HCM không triển khai sẽ chậm bước. Do đó, ông đề xuất lấy kinh nghiệm thế giới về lĩnh vực này để đề xuất với Trung ương cho thí điểm luôn.
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, việc triển khai Nghị quyết 98 qua gần 6 tháng đã đạt được nhiều kết quả nhất định. Tuy nhiên, ông đồng ý với quan điểm của TS. Trần Du Lịch là nếu không có tư duy mới, vẫn làm theo nếp cũ thì triển khai Nghị quyết 98 vẫn còn nhiều vướng mắc.
“Các sở, ngành, địa phương cần vận dụng yếu tố khoa học - công nghệ mới có thể tạo đột phá trong triển khai Nghị quyết 98”, ông Phan Văn Mãi chỉ đạo.
Bộ máy quá tải phải cần cách tư duy mới
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng, cả hệ thống chính trị của thành phố đã có nhận thức tốt về tầm quan trọng của Nghị quyết 98. Ông cũng đề cao tính quyết tâm, nỗ lực trong triển khai Nghị quyết của toàn thành phố.
Bí thư Thành ủy TP.HCM nhận định, những vướng mắc khi triển khai Nghị quyết 98 nằm ở hai cấp. Với vướng mắc nội tại của thành phố thì thành phố chủ động giải quyết; còn vướng mắc ở cấp Trung ương, thành phố phải phối hợp, kiên trì đeo bám với các cơ quan Trung ương để tháo gỡ.
Ông Nguyễn Văn Nên thừa nhận, nội dung Nghị quyết 98 là giao quyền, phân cấp, nhưng phân cấp rồi mà đi xin ý kiến thì rất mất thời gian.
Theo ông Nguyễn Văn Nên, chủ trương, nghị quyết mới nào khi triển khai cũng gặp vướng mắc. Do đó, đòi hỏi tinh thần quyết tâm cao, tư duy sáng tạo và đột phá để thực hiện hiệu quả.
Khi chưa có Nghị quyết 98 thì bộ máy thành phố cũng đã quá tải. Vì vậy cả hệ thống chính trị của thành phố cần nhận thức rõ về cách làm khác, đột phá mới, quyết tâm cao hơn.
Bí thư Thành ủy TP.HCM đề nghị Ban Chỉ đạo, Ban Điều hành, Tổ Giúp việc cần phân rõ từng vai, từng trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành, đơn vị.
“Tôi thấy anh Trần Du lịch dù lớn tuổi nhưng trong phát biểu, trong cách làm luôn tạo động lực cho chúng ta, cho lớp trẻ. Chỉ những ai vô cảm mới không nhận ra cảm xúc đó. Mà vô cảm, vô trách nhiệm thì không thể tồn tại trong hệ thống chính trị của thành phố”, ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Văn Nên, vướng mắc, khó khăn luôn song hành với thuận lợi. Nghị quyết không có nội dung chỉ rõ cách vận dụng thế nào, cách làm thế nào, điều này phụ thuộc vào cán bộ. Nếu từng cá nhân, đơn vị vận dụng, xử lý tốt trên từng lĩnh vực thì thành phố bớt đi nhiều khó khăn.