Em gái tôi năm nay 32 tuổi, phát hiện mắc ung thư cổ tử cung trong một lần khám sức khỏe. Tôi rất lo vì em chưa lập gia đình, chưa sinh con. Nếu phẫu thuật, em tôi còn cơ hội làm mẹ hay không thưa bác sĩ? (Lan Anh, Lâm Đồng).
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại phụ khoa, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM tư vấn:
Hiện nay, khi phát hiện ung thư cổ tử cung ở giai đoạn sớm, bệnh nhân có thể được phẫu thuật bảo tồn bằng phương pháp mới. Thay vì phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tử cung, kết hợp hóa trị, xạ trị như trước đây, bác sĩ chỉ phẫu thuật cắt cổ tử cung. Sau đó, nối thành tử cung vào âm đạo, giữ lại buồng tử cung và buồng trứng, bảo tồn động mạch để nuôi tử cung.
Như vậy, kỹ thuật mới mở ra cơ hội mang thai và làm mẹ cho người bệnh. Đến nay, chúng tôi đã điều trị bảo tồn tử cung cho 20 trường hợp. Trong đó, một phụ nữ 37 tuổi ở TP.HCM mang thai sau 6 tháng phẫu thuật và sinh con trai nặng 2,1kg.
Tuy nhiên, để áp dụng phương pháp này, người bệnh cần phát hiện ung thư cổ tử cung ở giai đoạn 1, kích thước của bướu còn nhỏ dưới 2cm. Bướu không lan vào cổ trong cổ tử cung, không di căn hạch chậu và hạch cạnh động mạch chủ bụng.
Người bệnh phải tuân thủ chỉ định điều trị, chế độ dinh dưỡng nghiêm ngặt, theo dõi suốt thai kỳ do tỷ lệ mang thai lúc này chỉ khoảng 50 - 60% so với bình thường.
Do hiệu quả từ chương trình tầm soát và tiêm vắc xin HPV ngừa ung thư cổ tử cung, người mắc bệnh này đã giảm nhiều so với trước kia. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân trẻ tuổi lại có xu hướng tăng, nhiều phụ nữ mắc bệnh chỉ từ 20-30 tuổi.