Ngày 5/5, theo thông tin từ Bệnh viện Bãi Cháy, bệnh nhân là chị V.T.T. (sinh năm 1976, trú tại huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh). Khi đến khám phụ khoa định kỳ, bệnh nhân được thực hiện xét nghiệm HPV, tế bào học sàng lọc ung thư cổ tử cung phát hiện tình trạng mắc HPV type nguy cơ cao, tế bào học bất thường. 

Bệnh nhân được chỉ định soi cổ tử cung và sinh thiết cổ tử cung. Bác sĩ phát hiện có tổn thương tiền ung thư nên đã hội chẩn chuyên khoa phụ sản chỉ định phẫu thuật điều trị ung thư cổ tử cung.

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Văn Mạnh, Phó Trưởng Khoa Sản, Bệnh viện Bãi Cháy, cho biết bệnh nhân đã được tiến hành phẫu thuật cắt bỏ tử cung hoàn toàn, bảo tồn 2 buồng trứng nhằm điều trị triệt căn ung thư. Kết quả giải phẫu bệnh sau phẫu thuật xác định ung thư biểu mô vảy tại chỗ của cổ tử cung. Sau 10 ngày điều trị, bệnh nhân sức khỏe ổn định và xuất viện.

Bác sĩ kiểm tra vết mổ cho người bệnh. Ảnh: BVCC. 

Bác sĩ chuyên khoa I Tô Thị Kim Quy, Trưởng Khoa Sản, Bệnh viện Bãi Cháy, chia sẻ các tổn thương tiền ung thư sẽ mất từ 3-7 năm biến đổi thành ung thư. Đáng chú ý, ở giai đoạn đầu, ung thư cổ tử cung không có triệu chứng rõ ràng và hầu hết người bệnh được chẩn đoán phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn. Điều đó khiến việc điều trị khá khó khăn, phức tạp, tốn kém chi phí, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý, chất lượng cuộc sống. 

Vì vậy, sàng lọc ung thư cổ tử cung là một trong những biện pháp đơn giản và hữu hiệu giúp phát hiện sớm những yếu tố nguy cơ và tổn thương tiền ung thư, có biện pháp can thiệp điều trị ngay từ giai đoạn sớm, tỷ lệ điều trị thành công cao.

Bác sĩ Quy khuyến cáo phụ nữ nên đi khám sức khỏe định kỳ từ 6 tháng đến 1 năm/lần, thực hiện các xét nghiệm tầm soát theo khuyến cáo của bác sĩ để phát hiện và điều trị sớm căn bệnh này.