Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt vấn đề ưu tiên phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông. Trong đó, tập trung hoàn thiện mạng lưới giao thông vận tải theo quy hoạch, phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, đường vành đai TP Hồ Chí Minh, đầu tư, nâng cấp các cảng hàng không, đặc biệt là cảng hàng không đầu mối của khu vực.
Cùng với đó, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, chú trọng kết nối các trung tâm đầu mối với hành lang vận tải thủy chính của vùng... Kết nối đồng bộ hệ thống giao thông với các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển và tăng tính kết nối vùng.
Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Dương cho biết, đã gửi báo cáo tình hình triển khai các dự án giao thông kết nối các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ đến Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương.
Theo đó, Bình Dương và TP Hồ Chí Minh đang phối hợp triển khai các dự án giao thông kết nối, gồm: Nâng cao tĩnh không cầu Bình Triệu 1, cầu Bình Phước 1; rà soát vị trí cầu bắc qua sông Sài Gòn trên đường vành đai 4; nút giao thông Sóng Thần; kết nối đường An Bình - Đào Trinh Nhất đến đường Phạm Văn Đồng; kết nối Quốc lộ 1A, Quốc lộ 13.
Đối với đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, TP Hồ Chí Minh đang rà soát, cập nhật quy hoạch hướng tuyến tại nút giao Gò Dưa. Về phía tỉnh Bình Dương đang tổ chức lấy ý kiến các ngành chức năng về việc chuẩn bị đầu tư dự án, Tổng công ty Becamex IDC đã phối hợp lập báo cáo tiền khả thi dự án.
Bình Dương cũng phối hợp với tỉnh Đồng Nai rà soát, cập nhật quy hoạch đảm bảo phù hợp, thông suốt các dự án giao thông kết nối hai địa phương như: Cầu Hiếu Liêm, cầu Thạnh Hội 2, trục giao thông ĐT.747 - Bùi Hữu Nghĩa - ĐT.743a, hệ thống đường bộ kết nối giữa TP Biên Hòa với TP Dĩ An.
Đối với Dự án Đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, phía Bình Dương đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông làm chủ đầu tư các dự án thành phần trên địa bàn. Hiện Tổng công ty Becamex IDC đã lập Đề án Đầu tư xây dựng đường vành đai 4 với quy mô mặt cắt ngang 74,5 m (kể cả đoạn đã đầu tư trong Khu công nghiệp Mỹ Phước 3 và Việt Nam - Singapore II-A).
Về tình hình triển khai các dự án đường sắt liên kết vùng, Bình Dương kiến nghị đầu tư dự án kéo dài tuyến đường sắt Bến Thành – Suối Tiên từ ga Suối Tiên đến phường Bình Thắng, TP Dĩ An bằng nguồn vốn ODA.
Theo lộ trình, tuyến đường sắt ở giai đoạn 1 kéo dài 1,8 km từ ga Suối Tiên về ga nút giao Bình Thắng (hình thức đầu tư vận hành theo hướng tỉnh Bình Dương đầu tư, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh quản lý). Giai đoạn 2 và 3 kéo dài 25,2 km từ TP Dĩ An về ga Trung tâm Thành phố mới Bình Dương.
Cùng với dự án đường sắt đô thị, tỉnh Bình Dương cũng đang nghiên cứu tổng thể, lập quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt Bàu Bàng - Thị Vải - Cái Mép để tiếp tục đề xuất dự án.
Vào tháng 7 vừa qua, tỉnh Bình Dương đã làm việc với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để đề xuất Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ thu xếp nguồn vốn vay ODA 543 tỷ Yên để tỉnh thực hiện các dự án giao thông liên vùng.
Liên quan đến các dự án giao thông liên kết vùng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết đã đề nghị các sở, ngành, địa phương kịp thời tháo gỡ khó khăn, nỗ lực đẩy nhanh tiến độ các dự án nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Tỉnh Bình Dương sẽ ưu tiên vốn để thực hiện các dự án quan trọng, tạo sức đột phá phát triển kinh tế.
Ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, cho biết năm 2022, Bình Dương sẽ bố trí hơn 8.809 tỷ đồng vốn đầu tư công. Trong đó, ưu tiên giải ngân các dự án đường liên kết vùng.
Hải Yến