Chiều 21/2, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ Tài Nguyên và Môi trường; Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến các tổ chức, nhà khoa học về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi).

Giải quyết mối quan hệ lợi ích giữa nhà nước, người dân phải di dời

Đề cập đến quyền năng của nhà nước với tư cách đại diện chủ sở hữu toàn dân, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, dự thảo luật lần này đã nêu rất rõ và cần giải quyết quy hoạch đất đai với quy hoạch quốc gia và các quy hoạch khác. Trên cơ sở đó xác định mối quan hệ này để đưa ra nguyên tắc kế thừa, đưa ra công cụ quản lý tốt hơn và không xung đột.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, đất đai phải theo cơ chế thị trường. Tức là khi bán, mua, đấu thầu, đấu giá thì làm thế nào sát với cơ chế thị trường và phương pháp xác định thế nào để đưa ra được một giá chính xác. Lần này, luật được sửa đổi theo cách định nghĩa thế nào là giá thị trường, phương pháp nào xác định giá bình quân trong điều kiện ổn định.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà 

Một quan điểm tiến bộ trong dự luật được Phó Thủ tướng cho biết là quy định về việc sau quá trình thu hồi đất, người dân phải được hưởng lợi ích mang lại từ các dự án phát triển. Sau khi tái định cư, người dân có điều kiện sống tốt hơn, sinh kế tốt hơn, hưởng các quyền lợi.

“Chúng tôi mong ý kiến làm sao nhìn toàn diện hơn vấn đề để giải quyết được. Đây là vấn đề khó khăn liên quan không chỉ kinh tế, xã hội, chuyển dịch lực lượng lao động mà còn giải quyết mối quan hệ lợi ích giữa nhà nước, người dân phải di dời cũng như nhà đầu tư và doanh nghiệp”, ông Hà nhấn mạnh.

Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho rằng, phải có các quy định chặt chẽ nhằm bịt các lỗ hổng pháp luật, khắc phục tình trạng khai thác giá trị đất đai phục vụ cho lợi ích riêng, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm; ngăn chặn hiện tượng tham nhũng chính sách, lợi dụng chính sách đất đai để làm giàu cho cá nhân.

Chống "thao túng“, “đầu cơ“ đất thì phải công khai, minh bạch 

Về tài chính và giá đất, ông Lý cho rằng đây là vấn đề quan trọng và phức tạp nhất hiện nay dự thảo cần được gia cố thêm. Cụ thể, cần thể hiện rõ trong luật yêu cầu có cơ chế định giá đất theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm khách quan, chính xác theo tinh thần Nghị quyết 18 của Trung ương.

Theo đó, giá đất và khung giá đất, thời gian tính tiền sử dụng đất khi có quyết định giao đất. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng các dự án không thống nhất được số tiền sử dụng đất dẫn đến việc không nộp được tiền, không cấp được giấy, không triển khai các thủ tục xây dựng, ách tắc việc giải quyết dẫn tới mâu thuẫn tranh chấp giữa cơ quan quản lý với người sử dụng đất.

Về đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, ông Lý đề nghị cần quy định rõ trường hợp đấu thầu dự án có sử dụng đất thì cách thức thực hiện như thế nào? Đặc biệt là việc xác định giá gói thầu và tiêu chí lựa chọn tổ chức, cá nhân trúng thầu. 

Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý 

Trường hợp xác định giá gói thầu là giá đất khởi điểm như dự thảo (Điều 150) sẽ khó khả thi, vì tại thời điểm này, đất chưa được giải phóng mặt bằng, các chỉ tiêu để xác định giá đất chưa rõ. Ngoài ra, cần nghiên cứu việc đấu thầu với dự án mà Nhà nước ưu đãi, các dự án xã hội hóa hoặc các dự án xây dựng các công trình công cộng thay cho việc giao đất không thông qua đấu thầu như hiện nay. 

Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị cần xây dựng chính sách buộc người sử dụng đất phải sử dụng kinh doanh hợp lý, hiệu quả, tránh tình trạng đất bỏ hoang, lãng phí.

Cùng mối quan tâm, nguyên Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực nêu thực tế, hầu như các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài đều rất mong muốn được tiếp cận nguồn lực đất đai thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Việc dự thảo Luật Đất đai nếu để 2 cơ chế bồi thường trong cùng một dự án cũng sẽ tiếp tục phát sinh phức tạp. Trong khi tuyệt đại đa số ý kiến đã thống nhất nguyên tắc: Muốn tiếp cận được đất đai thương mại phải thông qua đấu giá, qua sàn giao dịch.

Ngoài ra, Nghị quyết số 18 chủ trương thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất là định hướng lâu dài rất đúng đắn nhưng cần phải có lộ trình để các địa phương tổ chức phát triển quỹ đất...

Bên cạnh đó dự luật đã bỏ khung giá đất, cơ chế bảng giá đất theo giá thị trường. Vì vậy, việc nhà nước hay doanh nghiệp thỏa thuận cũng phải sát giá trị của đất. Mặt khác chính sách, giải pháp đưa ra phải hướng tới nhu cầu thực về nhà ở, lành mạnh thị trường bất động sản, chống“ thao túng“, “đầu cơ“ thì phải công khai, minh bạch cơ chế.

Tuy nhiên, ông Thực cũng nhìn nhận mặt ưu điểm của việc tự thỏa thuận đã thúc đẩy việc thực hiện nhanh các dự án vừa qua. Do đó, trong giai đoạn này nên có một điều khoản chuyển tiếp trong dự thảo luật cho phép nhà đầu tư được thỏa thuận và chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án (bao gồm cả dự án đô thị, nhà ở thương mại) nhằm thể chế hoá Nghị quyết số 18.